Bộ Tư pháp vừa có trả lời nhiều vấn đề liên quan đến quản lý ngành do các địa phương gửi về. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến cấp phiếu lý lịch tư pháp.
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 để làm gì?
Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đề nghị Bộ Tư pháp sửa Luật Lý lịch tư pháp theo hướng chỉ cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Sóc Trăng lại đề nghị bộ sửa đổi quy định, chỉ cấp 1 loại phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của người dân, không tính đến mục đích của yêu cầu đó, để giải quyết tình trạng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp số 2 như hiện nay.
Còn UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị bộ nghiên cứu, đề xuất sửa luật theo hướng bỏ quy định cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để phù hợp với tinh thần của Bộ luật Hình sự là người được xóa án tích coi như chưa bị kết án, không thể hiện án tích đã được xóa trong phiếu lý lịch tư pháp.
Mặt khác, việc không thể hiện các án tích đã được xóa trong nội dung của phiếu lý lịch tư pháp nhằm tránh việc các cơ quan, tổ chức nước ngoài lợi dụng việc này yêu cầu đương sự phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2, và để bảo vệ bí mật đời tư của cá nhân.
Trả lời nội dung này, Bộ Tư pháp cho hay theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Không quy định cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho các đối tượng khác. Quy định này bảo đảm nguyên tắc bảo vệ bí mật đời tư cũng như quyền tiếp cận thông tin của cá nhân.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp cho hay do chưa hiểu đúng quy định của Luật Lý lịch tư pháp nên một số tổ chức, doanh nghiệp đã yêu cầu cá nhân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2 để làm các thủ tục như xin việc làm hoặc tuyển dụng lao động…
"Điều này không đúng với quy định của Luật Lý lịch tư pháp", Bộ Tư pháp nêu rõ.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về ý nghĩa, giá trị của phiếu lý lịch tư pháp, không yêu cầu người dân nộp/xuất trình phiếu lý lịch tư pháp số 2 không đúng quy định.
Bộ Tư pháp nêu rõ thời gian tới sẽ phối hợp bộ, ngành có liên quan tiếp tục nghiên cứu và có đề xuất sửa đổi phù hợp.
Đề xuất giải pháp kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Bộ cũng thông tin thêm đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án 06 của Chính phủ và chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu giải pháp kết nối Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự, Cơ sở dữ liệu do ngành công an, Cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng, tòa án, viện kiểm sát.
Hiện, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp đang phối hợp với đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất giải pháp kết nối Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đang tổ chức xây dựng thông tin, trong đó dự kiến bổ sung mẫu phiếu lý lịch tư pháp điện tử.
Việc lựa chọn kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp bằng điện tử hay bằng giấy tùy thuộc yêu cầu của cá nhân và cơ quan, tổ chức.
Theo đó dự kiến quy định đồng thời có cả phiếu bằng bản giấy và dữ liệu điện tử, nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân khi tham gia vào các giao dịch trong đời sống xã hội.
Bộ Tư pháp cũng thông tin thêm hiện đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội và Nghệ An, để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trong tháng 1-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận