20/02/2021 08:32 GMT+7

'Bộ tứ kim cương' tìm cách kiềm chế Trung Quốc

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tính trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến ngày 18-2 của các ngoại trưởng Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, còn gọi là 'Bộ tứ kim cương' (QUAD).

Bộ tứ kim cương tìm cách kiềm chế Trung Quốc - Ảnh 1.

Tàu hải quân Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines dàn đội hình trên biển năm 2019 - Ảnh: Reuters

Đây là cuộc họp an ninh bốn bên đầu tiên kể từ lúc Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Vì vậy nó thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về chính sách đối ngoại của ông Biden, đặc biệt khi QUAD được hiểu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ứng phó với đối trọng Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Bí mật mở"

Các ngoại trưởng tham gia cuộc họp trên bao gồm: Antony Blinken (Mỹ), Toshimitsu Motegi (Nhật Bản), Subrahmanyam Jaishankar (Ấn Độ) và Marise Payne (Úc).

Báo chí Nhật Bản - nước đã ủng hộ QUAD từ thời cựu thủ tướng Shinzo Abe - nhấn mạnh tầm quan trọng của QUAD. Ngoại trưởng Motegi mô tả cuộc họp kéo dài một tiếng rưỡi nêu trên là "cuộc thảo luận đặc biệt sâu", khi các nhà ngoại giao hàng đầu của bốn nước bàn thảo về các thách thức hiện nay từ Myanmar, biển Hoa Đông, Biển Đông, tình hình Triều Tiên, đại dịch COVID-19 đến biến đổi khí hậu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các ngoại trưởng sau cuộc họp nhất trí về việc sẽ tổ chức họp cấp bộ trưởng ít nhất một lần trong mỗi năm cũng như các cấp khác nhằm "tăng cường hợp tác và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như ủng hộ tự do hàng hải và toàn vẹn lãnh thổ".

Theo tường thuật của Nikkei, Mỹ cũng lưu ý rằng "các bên tái xác nhận sự ủng hộ lẫn nhau dành cho tính trung tâm của ASEAN" - một điểm được hiểu rằng sẽ mở rộng sự hợp tác của QUAD với ASEAN.

Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đề cập "vai trò then chốt của tính trung tâm của ASEAN đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Bản thân Ngoại trưởng Nhật Motegi cũng nói QUAD sẽ hợp tác sâu với ASEAN, khu vực Thái Bình Dương cũng như châu Âu.

Thông tin này khiến nhiều người nghĩ tới Trung Quốc, khi Bắc Kinh đã liên tục có những động thái quyết đoán và khiêu khích ở Biển Đông. Nhà phân tích Derek Grossman ở Rand Corp, một người nghiên cứu về khuôn khổ QUAD lâu nay, cho rằng nội dung họp của QUAD là một "bí mật mở" vì Trung Quốc "là động lực chính cho những hợp tác của QUAD gần đây".

"Bàn cờ" QUAD

Trở lại với hợp tác đa phương là một trong những điểm ưu tiên của chính sách đối ngoại Mỹ thời Tổng thống Biden. Việc tái lập những kết nối như QUAD đại diện cho cam kết của Mỹ giai đoạn hiện nay. Nhưng kết quả của nó, bao gồm mức độ cam kết của Mỹ, sẽ là câu chuyện còn chờ lời đáp.

Hôm 17-2, chỉ một ngày trước cuộc họp QUAD nêu trên, Mỹ và Nhật đã thống nhất gia hạn thêm một năm trong thỏa thuận giữ lính Mỹ đóng ở Nhật với một mức phí mới Tokyo trả cho Washington. Sắp tới, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận dài hạn, và có thể thấy cam kết của Mỹ với QUAD mà Nhật ủng hộ sẽ đóng vai trò không nhỏ trên bàn cờ này.

Bên cạnh đó, tờ South China Morning Post từng nhắc tới chữ "mini NATO" để nói về QUAD, ngụ ý đây sẽ là một hình thức thu nhỏ của hợp tác quốc phòng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng với chính sách hiện nay của Ấn Độ, mô hình nặng về quốc phòng không phải lựa chọn hợp lý.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 18-2 cũng dẫn lời một chuyên gia quan hệ quốc tế Trung Quốc khẳng định Tổng thống Biden, người quen thuộc với chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ từ thời tổng thống Barack Obama, cũng sẽ sử dụng các cơ chế hợp tác đa phương như QUAD để làm một công cụ ngoại giao nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời kiềm chế Trung Quốc.

Trong ngày 18-2, Mỹ cũng có cuộc họp riêng với các nước châu Âu tương tự cuộc họp QUAD này. Một chiến lược kiềm chế Trung Quốc rộng hơn với sự ủng hộ của châu Âu có thể là điểm kỳ vọng. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ gặp rào cản lớn khi châu Âu hiện nay cũng đa dạng hóa nguồn lực, nhất là vừa đạt thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, cũng như đang nỗ lực mở rộng thị trường sang châu Á hay Đông Nam Á nói riêng.

Khi Mỹ muốn quay lại với QUAD, Washington thời Tổng thống Biden đồng thời sẽ dành sự quan tâm với một loạt thỏa thuận đa phương trước đó như thỏa thuận Iran - điều mà châu Âu kỳ vọng.

Trước mắt QUAD là một cam kết của Mỹ với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đồng minh và đối tác thì còn phải chờ xem những bước đi sắp tới của Washington.

Người biểu tình đầu tiên chết ở Myanmar

Cô Mya Thwe Thwe Khaing (Khine), 20 tuổi, trở thành người đầu tiên thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát ở Myanmar. Mya trước đó đã bị thương khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông biểu tình bằng vòi rồng, đạn cao su và đạn thật. Reuters ngày 19-2 cho biết vết thương trên đầu của Mya giống với vết thương do đạn thật gây ra.

Theo Nikkei, trong cuộc họp trực tuyến ngày 18-2, ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ nhất trí cần nhanh chóng khôi phục nền dân chủ tại Myanmar sau cuộc đảo chính quân sự gần đây. Đồng thời cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng sử dụng bạo lực chống lại người dân và kêu gọi thả ngay các chính trị gia bị bắt, trong đó có Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Việt Nam hoan nghênh mong muốn hợp tác của ‘bộ tứ kim cương’ QUAD với ASEAN Việt Nam hoan nghênh mong muốn hợp tác của ‘bộ tứ kim cương’ QUAD với ASEAN

TTO - Trong thời gian qua, giới quan sát đánh giá các nước 'QUAD' gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc mong muốn tăng cường quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên