13/05/2016 11:35 GMT+7

Bộ trưởng y tế trị “cò” bệnh viện

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế đang yêu cầu xử lý nghiêm một cán bộ ở Bệnh viện K nghi là “cò” bệnh viện sau chuyến vi hành tại bệnh viện này.

Hai “cò mồi” (đội nón lưỡi trai) luôn túc trực trước cổng Bệnh viện Da liễu (đường Nguyễn Thông, P.6, Q.3, TP.HCM) chờ đón người dân đi khám bệnh để chèo kéo vào các phòng khám tư nhân ăn hoa hồng
-  Ảnh: Hữu Khoa
Hai “cò mồi” (đội nón lưỡi trai) luôn túc trực trước cổng Bệnh viện Da liễu (đường Nguyễn Thông, P.6, Q.3, TP.HCM) chờ đón người dân đi khám bệnh để chèo kéo vào các phòng khám tư nhân ăn hoa hồng - Ảnh: Hữu Khoa

Tình trạng “cò” bệnh viện tồn tại bao năm nay như một hiện trạng nhức nhối của ngành y tế chưa được giải quyết triệt để.

Trưa 12-5, tại cổng chính Bệnh viện Da liễu TP.HCM, có hai người đàn ông liên tục chèo kéo bệnh nhân cho một phòng khám ngoài giờ gần bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối kiểm tra, ngay cả kiểm tra bất thường vào buổi tối mà ghi nhận có “cò” hoạt động thì chúng tôi cũng báo cơ quan chức năng ngay để xử lý nghiêm

Một cán bộ Bộ Y tế

“Cò” vẫn ngang nhiên

Chúng tôi vừa dựng xe trước cổng bệnh viện, ngay lập tức hai người đàn ông bước đến chèo kéo: “Khám da liễu à, giờ trưa rồi, trong bệnh viện không nhận bệnh nhân khám nữa” rồi chỉ tay vào một con hẻm gần đó, nói tiếp: “Trong này có phòng khám ngoài giờ, trong bệnh viện 50.000 đồng tiền khám, ở ngoài này khám dịch vụ nhanh gọn, chỉ đắt hơn 10.000 - 20.000 đồng tiền khám”.

Tại Phòng khám đa khoa Hòa Hảo (Trung tâm Medic cũ, Q.10), tình trạng “cò” bệnh viện cũng diễn ra ngang nhiên. Khi thấy chúng tôi dừng xe tại cổng bệnh viện, một người đàn ông đến chèo kéo.

Chỉ cần 150.000 đồng, người này hứa dẫn bệnh nhân vào khám ngay mà không cần xếp hàng, bốc số. Nói xong, anh ta dẫn đường cho chúng tôi đến điểm giữ xe quen thuộc gần phòng khám, rồi đưa chúng tôi vào một nhà thuốc gần đó và kêu chờ lấy số ưu tiên.

Khi được nhân viên nhà thuốc này ra hiệu là dẫn thẳng vào trong bệnh viện, anh ta liền ra đưa chúng tôi đi.

Lên tầng 1 khu khám bệnh, chúng tôi ngồi đợi vài phút, một phụ nữ tên Vân xuất hiện và dẫn chúng tôi đi làm thủ tục để khám mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Ít phút sau, chúng tôi đã được “lọt” vào phòng khám bệnh trong khi có khoảng vài chục người vẫn ngồi chờ đợi đến lượt mình.

Chấp nhận theo hướng dẫn dịch vụ khám nhanh của “cò”, anh Hữu Danh (Q.Tân Bình) nói: “Chỉ thêm chút tiền là được khám liền, đỡ phải mất thời gian chờ đợi mà phải đi vòng vèo. Biết là “cò” đó nhưng chấp nhận thôi”.

Lừa cả người nghèo

Nhưng không thiếu những trường hợp “cò” làm người bệnh mất tiền mà tật vẫn mang.

Mang trên mặt khối u khổng lồ ngay từ nhỏ, anh Đỗ Văn Tính (ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội) luôn mặc cảm và không dám tiếp xúc với ai.

Từ đầu năm nay khối u đau nhức nhối, nhất là bên mắt trái bị kéo xuống giữa má, không thể nhắm được mắt và nước mắt lúc nào cũng chảy giàn giụa, đi vay mượn được một ít tiền, anh Tính nhờ anh trai là Đỗ Văn Tâm đưa lên Hà Nội để khám.

Anh Đỗ Văn Tâm kể hơn 6g sáng một ngày tháng 4 vừa qua hai anh em có mặt ở Bệnh viện K, gửi xe xong có một thanh niên khoảng 30 tuổi ra làm quen, ngỏ ý muốn giúp hai anh em được khám ở chỗ các giáo sư đầu ngành, trưởng khoa.

“Thanh niên này dẫn anh em tôi vào một phòng khám ở phố Thợ Nhuộm. Bác sĩ cho đi chụp X-quang, siêu âm, nội soi tai mũi họng, xét nghiệm máu… tổng cộng hết 1,9 triệu đồng và được kết luận bị u xơ thần kinh, ở đây không xử trí được nên giới thiệu sang bệnh viện khác, chúng tôi hết sạch số tiền mang theo” - anh Tâm buồn bã nhớ lại.

Trong vai một bệnh nhân mới sinh thiết nhưng phải chờ 7-10 ngày mới có kết quả, chúng tôi ra cổng Bệnh viện K chờ. Ngay lập tức một chị hàng bánh mì đứng tuổi hứa dẫn chúng tôi đi gặp ngay bác sĩ để được khám nhanh. Chị này cũng nhanh chóng dẫn chúng tôi đến phòng khám đầu phố Thợ Nhuộm và cho biết đây là phòng khám của “bác sĩ trưởng khoa”.

Trong phòng khám, một phụ nữ khác ra nói sẽ lo cho chúng tôi vào viện ngay trong ngày, chỉ cần “phong bì” cho bác sĩ, còn lại biếu chị ta tùy tâm.

Theo anh N.V.H. ở Thanh Trì, Hà Nội, là người nhà bệnh nhân Bệnh viện K, tuy đề nghị “biếu tùy tâm” nhưng khi môi giới xong, chị ta lại đề nghị đưa thêm tiền cho người này, người kia cùng “êkip”, tổng tiền chi cho “cò” vì thế lớn hơn sự tùy tâm nhiều.

Một “cò” (đội nón lưỡi trai) chèo kéo người dân đi khám bệnh trước Bệnh viện Da liễu (đường Nguyễn Thông, P.6, Q.3, TP.HCM)
- Ảnh: Hữu Khoa
Một “cò” (đội nón lưỡi trai) chèo kéo người dân đi khám bệnh trước Bệnh viện Da liễu (đường Nguyễn Thông, P.6, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Phạt thật nặng

“Cò” sẽ rất khó làm việc trong bệnh viện nếu không có sự móc nối với các nhân viên đang làm việc tại bệnh viện. Trong chuyến “vi hành” tại Bệnh viện K tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được bệnh nhân báo một trường hợp bác sĩ ở Bệnh viện K nghi là “cò”.

Theo tin báo đến bộ trưởng, cán bộ kể trên làm việc ở khoa X-quang Bệnh viện K, nhưng lại chỉ định cho bệnh nhân làm nhiều dịch vụ đáng lẽ phải được bác sĩ phòng khám chỉ định. Khi báo cho bộ trưởng, nữ bệnh nhân Bệnh viện K đã làm được 50% số dịch vụ mà cán bộ ở khoa X-quang chỉ định.

Ông Bùi Diệu, giám đốc Bệnh viện K, cho biết việc chỉ định như vậy là không đúng chức năng, chưa kể có dấu hiệu cán bộ bệnh viện có hưởng chênh lệch từ giá dịch vụ.

“Chúng tôi đã báo cáo toàn bộ vụ việc lên Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế và cảnh cáo toàn bệnh viện, chuyển vị trí công tác với cán bộ này” - ông Diệu cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Phan Thanh Hải - giám đốc Phòng khám đa khoa Hòa Hảo - cũng nêu ra những sự biến tướng của “cò” bệnh viện. Hòa Hảo đã có nhiều giải pháp để dẹp được “cò” trong khuôn viên phòng khám. Tuy nhiên, tình trạng “cò” bên ngoài phòng khám ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bây giờ không chỉ là “cò” bắt tay với nhân viên phòng khám để dẫn người bệnh đi khám nhanh ngay trong phòng khám, mà “cò” trà trộn đi theo bệnh nhân vào phòng khám Hòa Hảo để gạ gẫm đưa người bệnh ra khám nhanh ở bác sĩ làm “chui” tại một số nhà thuốc quanh Phòng khám Hòa Hảo.

Đây là sự kết hợp giữa những nhà thuốc trời ơi và bác sĩ hành nghề “chui”. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân nhưng chưa có giải pháp triệt để để xử lý.

Một vị đại diện Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế từng có quy định các bệnh viện phải ký kết với công an phường sở tại nhằm dẹp vấn nạn “cò” khu vực ngoài bệnh viện, còn khu vực trong bệnh viện do ngành y tế đảm đương. Vị này cho rằng “cò” chủ yếu hoạt động ngoài bệnh viện, còn khu vực trong bệnh viện ít hơn. Với cách thức đó, nạn “cò” giảm nhiều.

“Tuy nhiên gần đây “cò” bệnh viện có dấu hiệu tái xuất hiện. Vụ việc như bác sĩ ở Bệnh viện K vừa qua ít gặp nhưng không phải không có, tức là vẫn có cán bộ y tế làm “cò”. Bộ Y tế đang chuẩn bị yêu cầu các bệnh viện tái ký kết với công an, chính quyền phường sở tại để dẹp “cò” ngoài bệnh viện, trong bệnh viện; cán bộ y tế thì tăng cường thanh tra, xử lý thật nghiêm” - vị đại diện này cho biết.

Nhưng bao giờ “cò” mới được quét sạch hẳn ra khỏi khu vực trong và ngoài bệnh viện? Câu hỏi này đã tồn tại nhiều năm và vẫn còn chờ đáp án!

Gửi toa thuốc qua email

Bác sĩ Phan Thanh Hải nhận định việc quá tải phòng khám, phải chờ đợi lâu là nguyên nhân chính khiến bệnh nhân nghe theo “cò”. Vì vậy phòng khám đã nỗ lực giải quyết quá tải bằng việc đăng ký khám bệnh qua email, qua điện thoại để bệnh nhân có con số và khoảng thời gian khám bệnh đàng hoàng.

Tuy nhiên, thời gian từ lúc đến phòng khám, xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm... đến lúc lấy toa thuốc về mất trung bình khoảng hai tiếng.

Ngoài ra, do đa số bệnh nhân đến Phòng khám Hòa Hảo là người dân ở các tỉnh xa thuê xe lên khám và muốn về sớm trong ngày nên phòng khám đã gửi toa thuốc qua email cho bệnh nhân (nếu có sử dụng email). Khi về đến nhà là bệnh nhân có ngay toa thuốc để mua.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên