17/02/2022 13:39 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá dịch vụ y tế phải 'tính đúng, tính đủ'

N.AN
N.AN

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2022, ngày 17-2.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu làm rõ khi xây dựng dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh - Ảnh: Quochoi.vn

Nêu quan điểm đây là dự luật còn nhiều vấn đề phải thảo luận, đặc biệt liên quan tới tài chính, ngân sách trong công tác khám chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải làm rõ nhiều nội dung khi chỉ ra thực trạng vừa qua có nhiều vụ việc nổi cộm trong công tác khám, chữa bệnh.

Nhiều nội dung cần làm rõ trong dự luật

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ - Ảnh 2.

Người dân khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Cụ thể, dự thảo luật cần làm rõ, tránh nhầm lẫn giữa y tế dự phòng và khám chữa bệnh khi dự thảo hiện vẫn còn chồng chéo. Cũng bởi, y tế dự phòng thì cần sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, còn khám chữa bệnh dùng Quỹ khám chữa bệnh của Bảo hiểm y tế theo nguyên tắc đóng hưởng.

Chưa kể, các quy định về tài chính ngân sách liên quan trang thiết bị y tế và hoạt động khám chữa bệnh còn rất chung chung. Đơn cử như cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng như giá dịch vụ khám chữa bệnh ở các cơ sở công lập và tư nhân…

"Bộ Y tế quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở khám chữa bệnh nhà nước. Vậy giá dịch vụ khám chữa bệnh ở cơ sở tư nhân thì ai quyết định? Họ có tự quyết được không?", ông Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong dự thảo luật, Chính phủ làm rõ, bóc tách nguồn lực cho y tế dự phòng và khám chữa bệnh trên nguyên tắc khám chữa bệnh chi bằng bảo hiểm y tế, còn y tế dự phòng chi bằng ngân sách. Hiện Chính phủ cũng đang xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi để quy định rõ vấn đề này.

Với giá dịch vụ tại cơ sở tư nhân, ông Long nhìn nhận đây là vấn đề "rất khó" bởi nếu đưa ra khung cứng giá dịch vụ y tế tư nhân không tạo ra cạnh tranh, không phát triển y tế tư nhân. Trong khi nếu không quy định thì có thể không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Do đó, Bộ Y tế đang sửa đổi theo hướng dự kiến trên nguyên tắc chung là cơ chế thị trường để đảm bảo sự phát triển cho y tế tư nhân.

Đối với cơ cấu giá dịch vụ y tế, ông Long cho biết trong 4 yếu tố cấu thành giá, gồm chi phí trực tiếp cho người bệnh, chi phí tiền lương, khấu hao thiết bị và chi phí quản lý thì Chính phủ mới tính được 2. Còn 2 yếu tố nữa trong năm 2022 sẽ cố gắng tính đúng, tính đủ để đảm bảo cho hệ thống y tế phát triển. Trong đó, giá ở cơ sở y tế nhà nước hiện chưa tính tới lợi nhuận nên Bộ Y tế sẽ tiếp thu để quy định trong dự thảo luật.

Với vấn đề thiết bị y tế, bộ trưởng nói thêm là Chính phủ đã có nghị định 98 quy định về vấn đề này, song Bộ Y tế cũng thấy chưa đáp ứng được thực tiễn. Do đó, bộ đang xây dựng luật về trang thiết bị y tế, trong đó quy định cụ thể về giá, cấp phép, đấu thầu…

Quản lý chất lượng khám chữa bệnh của người nước ngoài

Ngoài ra, vấn đề được Chủ tịch Quốc hội nêu ra là cần phải làm rõ điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận vì các cơ sở này sẽ không phải đóng thuế chênh lệch thu chi trong khi các cơ sở khác lại phải đóng, là vấn đề không minh bạch. Hoặc vấn đề quy định người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam phải thông thạo tiếng Việt hay việc giấy phép hành nghề khám chữa bệnh có thời hạn trong 5 năm…

Giải trình, ông Long nói đối với cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận, bộ đã có công bố điều kiện song cho biết sẽ tiếp tục làm rõ thêm vấn đề này. Về vấn đề cấp phép hành nghề cho người nước ngoài, hiện cả nước chỉ có 585 người nước ngoài hành nghề nhưng quản lý chất lượng rất khó, việc khám chữa bệnh qua phiên dịch làm giảm chất lượng khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tất cả các nước đều quy định người nước ngoài hành nghề đều phải thông thạo ngôn ngữ sở tại. Với yêu cầu thông thạo tiếng Việt chỉ quy định khi bác sĩ đăng ký hành nghề, còn các hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác, đào tạo thì không có quy định này.

Đối với thời hạn chứng chỉ hành nghề là 5 năm, ông Long khẳng định tất cả các nước giấy phép hành nghề đều có thời hạn 5 năm. Mục đích là tăng cường chất lượng của người hành nghề, tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Trên cơ sở các ý kiến, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất bổ sung dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2022.

Đi khám chữa bệnh, mắc COVID tại bệnh viện, ai chi trả? Đi khám chữa bệnh, mắc COVID tại bệnh viện, ai chi trả?

TTO - Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã thống nhất hướng dẫn bổ sung cho các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế về việc xác định chi phí khám, chữa bệnh nội trú liên quan đến điều trị bệnh COVID-19.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên