19/03/2018 11:22 GMT+7

Bộ trưởng Tư pháp: Tài sản bất minh nên đưa ra tòa chứng minh

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm này khi nhận được chất vấn của chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga về phương án đánh thuế 45% đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

Bộ trưởng Lê Thành Long nói về xử lý tài sản bất minh tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-3 - Nguồn: VTV

Tại phiên chất vấn tại Nhà Quốc hội sáng nay 19-3, bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn theo thể thức "hỏi gọn, đáp nhanh" (hỏi không quá 1 phút/lần, trả lời không quá 3 phút) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội áp dụng.

Căn cứ nào đánh thuế 45% với tài sản bất minh?

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga chất vấn về vấn đề đang được dư luận rất quan tâm tranh luận: Đối với dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), hiện Chính phủ trình phương án đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản bất minh. Xin bộ trưởng cho biết quan điểm của mình?

Trả lời ngay sau khi bà Nga đặt câu hỏi, bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận đây là một dự án luật rất khó.

"Hiện Chính phủ đã thống nhất trình dự án luật với quy định đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh. Tôi với tư cách là thành viên Chính phủ thì tôi tuân thủ quyết định của Chính phủ, còn về quan điểm của Bộ Tư pháp, chúng tôi cũng có ý kiến bổ sung. Theo chúng tôi, đối với các tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, đó là phải đưa ra toà để chứng minh, xử lý", ông Lê Thành Long nói.

Bộ trưởng Tư pháp: Tài sản bất minh nên đưa ra tòa chứng minh - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn bộ trưởng Tư pháp về quan điểm đối với quy định đánh thuế 45% tài sản bất minh - Ảnh: Quochoi.vn

Trong chất vấn của mình, bà Nga cũng đồng thời hỏi cả bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chuyện có những dự án luật trình quá chậm so với quy định, đẩy cơ quan thẩm tra vào tình thế khó khăn.

"Việc tham gia của các bộ cũng rất hình thức, nhiều dự án luật các bộ góp ý chỉ do vụ phó Vụ Pháp chế ký, với chỉ mấy chữ 'hoàn toàn đồng ý'. Đề nghị hai bộ trưởng cho biết là để tình trạng như vậy đã có lãnh đạo, chuyên viên nào bị kỷ luật chưa?"

Đáp lại, bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành trong việc trình dự án luật chậm tiến độ, chưa đủ quy trình, thủ tục.

"Xét về nhiệm vụ chính trị, các bộ trưởng, trưởng ngành không thực thi đúng chức trách của mình trong công tác xây dựng pháp luật, cũng là một căn cứ để đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm". 

"Trong các cuộc họp, Thủ tướng cũng đặt yêu cầu rất cao với việc này, luôn nhắc nhở người đứng đầu các bộ, ngành. Chính phủ thì luôn đôn đốc, kiểm điểm trách nhiệm đối với các bộ, ngành còn chậm. Chính phủ cũng công khai công việc, tiến độ, nêu tên những địa chỉ thực hiện chưa tốt", ông Long nói.

Bộ trưởng Tư pháp: Tài sản bất minh nên đưa ra tòa chứng minh - Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Thành Long sáng 19-3 trở thành chính khách đầu tiên trả lời chất vấn theo hướng "hỏi nhanh, đáp gọn" tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VGP

"Đưa vào, rút ra" nhiều, ai chịu trách nhiệm?

"Nhiều năm qua có tồn tại, hạn chế là không ít dự án luật cứ 'đưa vào, rút ra', đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc về ai, bộ trưởng có kiến nghị gì để chấm dứt tình trạng này?", đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn.

Bộ trưởng Long thừa nhận Chính phủ chưa khắc phục được triệt để tình trạng xin lùi, xin rút các dự án luật đã có trong chương trình của Quốc hội. Tuy nhiên, tình trạng này đang ngày càng giảm, đặc biệt năm 2018 Chính phủ xin trình bổ sung tới gần 10 dự án.

"Nguyên nhân trước hết là các bộ, ngành khi trình dự án luật chưa trù liệu hết những vấn đề phát sinh. Ví dụ, Luật Quy hoạch có liên quan đến mấy chục luật khác, do đó trong quá trình soạn thảo, thảo luận phải điều chỉnh nhiều lần", ông Long nói.

Để khắc phục tình trạng này, bộ trưởng chỉ ra phải nâng cao chất lượng trình, đặc biệt là tính khả thi, thẩm định phải kiên quyết hơn, nếu chưa đủ điều kiện thì mạnh dạn chưa trình. Đồng thời siết kỷ luật, kỷ cương hành chính hơn với các bộ, ngành.

"Hỏi ngay đáp luôn" giữa đại biểu Nguyễn Văn Hiển và bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long về thực hiện Hiến pháp 2013, trong đó có tiến độ xây dựng các luật về hội, biểu tình - Nguồn: VTV

Nếu rô-bốt… sai phạm

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) hỏi bộ trưởng: "Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tác động, ảnh hưởng như thế nào đến công tác xây dựng, thực thi pháp luật?"

Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định là sẽ có tác động lớn: "Trong thế giới phẳng, hội nhập sâu rộng, nhiều quan hệ kinh tế, xã hội phức tạp, rộng lớn, tác động qua lại, bây giờ chúng ta ngồi ở Việt Nam có thể biết chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ.

Trước đây có những việc chỉ con người làm được, thì nay rô-bốt có thể thay thế, trước đây hành vi do con người gây ra nếu vi phạm pháp luật thì xử lý, bây giờ hành vi đó do rô-bốt gây ra thì sao..."

"Chúng tôi đã cảm nhận và suy nghĩ về vấn đề này, tới đây sẽ đề nghị bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ cho chuyên gia sang giới thiệu để hiểu thêm về tính chất của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và những tác động của nó", ông Long nói.

TTO - Hôm nay 19-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên