Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Tư liệu TTO
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: Suy nghĩ của người dân cũng là suy nghĩ của tôi, tôi cũng ăn nước đó (nước nhiễm bẩn – PV) mất 3 ngày. Họ đã không chú ý đến sức khoẻ và không lường hết được vấn đề thiệt hại gây ra cho hàng triệu người dân. Hết sức vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết".
* Thưa ông, vụ việc tràn dầu thải ở Nhà máy nước mặt Sông Đà là cảnh báo đỏ cho việc thiếu bảo vệ nguồn nước?
- Đúng. Chúng ta phải xem lại liệu chúng ta có thiếu chủ động ban hành các cơ chế chính sách pháp luật không? Và việc thực thi chính sách pháp luật của doanh nghiệp (DN). Việc cung cấp nước sạch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân có mặt được nhưng có nhiều điều phải đánh giá lại về sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và DN trong bảo vệ an toàn nguồn nước. Hiện chưa có quy định rõ ràng.
* Gần đây, các chuyên gia cảnh báo rất nhiều về an ninh nguồn nước không đảm bảo. Sự cố vừa qua là đổ dầu thải vào nguồn nước, nhưng chẳng may đổ các chất độc khác vào nguồn nước thì việc phát hiện còn khó hơn, hậu quả cũng nghiêm trọng hơn?
- Sự cố mang chất thải đổi vào nguồn nước vừa qua hết sức nghiêm trọng, hoàn toàn hi hữu. Nhưng nếu để tình trạng quản lý lỏng lẻo và chất lượng của nhà quản lý, cung cấp nước kém thế này thì rõ ràng nhiều kịch bản có thể xảy ra, không loại trừ kịch bản nào. Từ vụ việc cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn.
* Vậy cần làm gì để đảm bảo an ninh nguồn nước, thưa ông?
- Để đảm bảo an ninh nguồn nước phải kiểm soát được số lượng, chất lượng và cân đối nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Không thể phát triển khi nguồn nước không có đủ. Khan hiếm nước là xu hướng rất rõ của tương lai nên phải có bài toán trong vấn đề khai thác sử dụng, cũng như điều tra, đánh giá được trữ lượng của nguồn nước.
* Còn vụ việc tràn dầu thải ở Nhà máy nước mặt Sông Đà đã xảy ra, theo ông nên xử lý trách nhiệm như thế nào?
- Vấn đề này cứ để các cơ quan pháp luật thực hiện, hiện có đầy đủ quy định để xử lý họ. Đối với doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp nước, nếu biết nước bẩn mà vẫn cung cấp thì các hộ ký hợp đồng mua nước có thể kiện.
Mặt khác, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bẩn thì ta có thể xử lý theo quy định. Cung cấp thuốc giả có thể đi tù thì nước bẩn cũng có thể đi tù nhưng cái đó chờ cơ quan pháp luật kết luận. Trước mắt, tôi cho rằng những người tham gia đổ dầu và cung cấp nước bẩn thì theo quy định pháp luật phải xử lý hết sức nghiêm khắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận