Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Ảnh: NGHĨA ĐỨC
Sáng 15-9, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - cho biết năm 2022, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Biểu hiện rõ nhất là việc đăng ký chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm giảm 5% tội phạm nhưng nhiều năm liên tục đều vượt. Trong đó năm 2022 giảm 9,75% tội phạm và việc này có ý nghĩa rất nhân văn.
Ông nói qua theo dõi nhiều tỉnh cả ngày không có một vụ phạm pháp hình sự nào, như ở Tuyên Quang cả năm 2022 chỉ có khoảng 200 vụ phạm pháp hình sự, có nghĩa khoảng 160 ngày không có phạm pháp hình sự.
"Điều này rất mừng vì mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống người dân. Thậm chí việc có giảm biên chế, giảm cán bộ, giảm trại giam được hay không cũng từ điều này...", Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng công tác phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng có nhiều bước tiến mới, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây họp kết luận, đánh giá và tinh thần này cần được thể hiện trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
"Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực và cơ bản bước đầu chúng ta đã ngăn chặn được tham nhũng. Song cần thấy tham nhũng càng tinh vi, càng phức tạp để đối phó với cơ quan chức năng và 'mình cứ ra cái khiên này thì nó lại có cái mác khác'.
Do vậy cần phải làm nổi bật để báo cáo Ủy ban Thường vụ và ra Quốc hội thấy được với các vụ án kinh tế, xử lý một việc, một vụ án thôi nhưng cảnh tỉnh cả một lĩnh vực, cả một vùng. Yếu tố này rất quan trọng mà có thể trước đây chúng ta làm chưa đến tầm được như vậy", ông Lâm lưu ý.
Người đứng đầu ngành công an dẫn chứng khám phá một vụ về chứng khoán nhưng đã điều chỉnh lại những chính sách, cách thức quản lý về chứng khoán để thực sự là kênh huy động vốn nhằm tăng thêm nguồn lực xã hội, làm lành mạnh thêm thị trường chứng khoán.
Một vụ án về thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng phải suy nghĩ đến chính sách về kênh huy động vốn này để tạo nguồn lực cho xã hội, làm lành mạnh, không để kẽ hở để các loại tội phạm lợi dụng chính sách, có những hoạt động ảnh hưởng đến kinh tế.
Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cần phải được điều chỉnh, chỉnh sửa theo hướng toàn diện như vậy.
Đồng thời, không chỉ nhìn vào những vụ việc cụ thể sẽ thiếu toàn diện và không toát lên được những chỉ đạo cơ bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Đối với năm 2023, bộ trưởng Bộ Công an đánh giá diễn biến tình hình tội phạm phức tạp với nhiều thủ đoạn đa dạng, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn...
Điều này đặt ra thách thức, nhiệm vụ, áp lực rất nặng nề, khó khăn, cấp bách với lực lượng công an trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
"Kết luận lại, năm 2022 các mặt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tốt hơn so với năm 2021 và các năm trước. Những hoạt động đó không hề làm cản trở những hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bình thường của người dân mà còn phục vụ rất tốt cho phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội cho đất nước", ông Lâm nhấn mạnh.
Ông nói thêm có một số vụ việc còn tồn tại như đình chỉ vụ án, nhưng đó là việc rất thông thường, luật pháp cho phép và quan điểm không phải đình chỉ là ám chỉ đó là oan, sai.
Giải trình tiếp thu sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ khi làm báo cáo thẩm tra rất thận trọng, mỗi đánh giá, nhận định đều có dẫn giải kèm theo. Đồng thời cân đối giữa khen - chê.
Bà nói nếu nhìn lại tổng thể báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp có thể thấy chủ yếu là khen, còn phần tồn tại, hạn chế, chê rất ít. Việc tiếp tục có ý kiến góp ý cho báo cáo thẩm tra thì ủy ban xin ghi nhận.
"Song cũng phải thông cảm Ủy ban Tư pháp đứng ở giữa, phải tham mưu cho các đại biểu biết ưu điểm, hạn chế của hoạt động tư pháp thời gian qua là gì, căn cứ vào đâu nói có hạn chế đó”, bà Nga nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận