10/11/2019 10:04 GMT+7

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói về Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam: Khó, nhưng khả thi

NHẬT ĐĂNG thực hiện
NHẬT ĐĂNG thực hiện

TTO - Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn độc quyền, chia sẻ về tình hình thương mại hai nước cũng như khả năng về một hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói về Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam: Khó, nhưng khả thi - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cùng các quan chức hai nước chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng thương mại quan trọng - Ảnh: QUANG HIẾU - VIỆT DŨNG

Lý tưởng mà nói, chúng tôi muốn có hiệp định thương mại tự do với tất cả các quốc gia có quan hệ hữu nghị... Chúng tôi có mong muốn làm điều đó với Việt Nam, dù chúng ta còn một chặng đường dài phía trước.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ WILBUR ROSS

* Chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt - Mỹ chứng kiến những tín hiệu tích cực lẫn đáng lo. Vậy có tín hiệu tích cực gì ở lần này?

- Bộ trưởng Wilbur Ross: Chúng tôi đưa một đoàn đại biểu gồm 35 công ty Mỹ đi từ Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) sang Việt Nam. Mục đích chính của chuyến thăm này là giới thiệu các công ty ấy cho Việt Nam, với hi vọng họ sẽ tạo ra những cam kết mới với Việt Nam.

Hai nước ký các hợp đồng với tổng trị giá 2,6 tỉ USD. Một trong số đó là thương vụ đầu tư hạ tầng 1,7 tỉ USD của Tập đoàn AES cho dự án nhà máy điện Sơn Mỹ 2. Nếu cộng thêm 1,4 tỉ USD cơ sở nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trước đó, tổng giá trị sẽ lên tới 3,1 tỉ USD và đây sẽ là dự án đầu tư hạ tầng lớn nhất vào Việt Nam. Ngoài ra, còn có các dự án khác về máy bay (thương mại) và y tế. Thêm nữa, có một dự án ba bên giữa Murphy Oil, SK Innovation của Hàn Quốc và Petro Việt Nam.

* Ở tầm dài hạn, Mỹ có kế hoạch và chiến lược cụ thể nào để thúc đẩy quan hệ thương mại Mỹ - Việt không, thưa ông?

- Hiện nay, tổng thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ vào khoảng 50 tỉ USD mỗi năm. Thật không may, khoảng 40 tỉ USD đó là thâm hụt thương mại của Mỹ vì chúng tôi chỉ bán sang Việt Nam 10 tỉ USD. Hiện nay, chúng tôi hi vọng sẽ đồng thời tăng cả tổng thương mại hai chiều lẫn tạo ra cách thức giảm thâm hụt với Việt Nam. Đó là vấn đề rất cấp thiết đối với Mỹ.

Chúng tôi đã có một phiên làm việc rất mang tính xây dựng với bộ trưởng Bộ Công thương của các bạn sáng 8-11. Ông ấy có một chương trình khổng lồ, chi tiết, bao gồm những bước đi cụ thể để giảm thiểu thâm hụt trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng và các sản phẩm khác. Chúng tôi lạc quan về việc chương trình ấy có thể được triển khai nhanh chóng.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng để có một thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Việt Nam?

- Tôi nghĩ trước hết chúng ta bước vào thương mại toàn cầu với một chút thiếu cân bằng so với hiện nay. Do đó, sẽ khó khăn để có một thỏa thuận thương mại tự do khi còn đó sự thiếu cân bằng giữa hai bên. Vì vậy, trước hết hãy giải quyết vấn đề đầu tiên, tức là thu hẹp khoảng cách thiếu cân bằng ấy lại, sau đó ở giai đoạn tiếp theo chúng ta mới tính tới thỏa thuận thương mại tự do.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói về Hiệp định thương mại Mỹ - Việt Nam: Khó, nhưng khả thi - Ảnh 3.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ngày 8-11 - Ảnh: VIỆT DŨNG

* Để đạt được điều đó, từ phía Việt Nam phải làm gì, thưa ông?

- Việc thực hiện nhanh chóng chương trình mà bộ trưởng Bộ Công thương đã trao đổi với tôi sáng 8-11 cũng như thực hiện một số hợp đồng quốc phòng... sẽ giúp giảm thiểu thâm hụt. Khi làm được những điều trên, chúng ta sẽ giải quyết tiếp với một số vấn đề về quy định, quản lý đối với công ty Mỹ, vấn đề tiếp cận thị trường, vấn đề phê duyệt chậm... rất nhiều thứ.

Như ta đã thấy, Việt Nam từng có lúc xếp thứ 60 trên bảng xếp hạng Chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư Ease of Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB) và không may lại rơi xuống thứ 70/190 tính tới năm ngoái. Chúng tôi hi vọng Việt Nam có thể đảo ngược chiều hướng này và khi doanh nghiệp làm ăn dễ hơn cũng như thâm hụt thương mại giảm xuống, hàng loạt khó khăn sẽ trở thành khả thi.

* Khi nói tới thương mại với Mỹ, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được nhìn nhận thế nào, thưa ông?

- Đối với Mỹ, Đông Nam Á vốn đã là một thị trường thương mại song phương lớn hơn Trung và Nam Mỹ, và cũng lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU), lớn hơn nhiều so với châu Phi. Vì vậy, đây là một thị trường rất, rất quan trọng. Thêm vào đó, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài đơn lẻ dẫn đầu khu vực này về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lớn hơn vài lần so với quy mô của Trung Quốc.

Trong đó Việt Nam đang ở vị trí cực tốt. Việt Nam đã hưởng lợi từ chuỗi sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc và bên ngoài sang. Trung Quốc hiện trở nên ít thu hút hơn Việt Nam, và đó là một điều tốt với Việt Nam.

Thứ hai, có một lý do thật sự cho việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là chúng tôi đang có khoảng 2,1 triệu người Việt sống ở Mỹ. Điều này tạo ra dòng chảy qua lại rất tự nhiên.

Thứ ba, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiến lên trong chuỗi giá trị gia tăng lúc này. Các bạn có nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đơn cử là may mặc. Nhưng các bạn đang xúc tiến kế hoạch tiến vào khâu sản xuất, máy móc... Các bạn sẽ không chỉ lắp ráp, mà sẽ là một nhà sản xuất thực sự.

* Cảm ơn ông.

Hiệp định thương mại tự do EU - VN: Nhiều cơ hội, có dễ tận dụng? Hiệp định thương mại tự do EU - VN: Nhiều cơ hội, có dễ tận dụng?

TTO - Dù khẳng định hàng hóa VN sẽ rộng cửa vào thị trường châu Âu sau khi Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) được ký kết, nhưng không dễ tận dụng được cơ hội nếu doanh nghiệp không thay đổi để đáp ứng được những yêu cầu của các nhà nhập khẩu


NHẬT ĐĂNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên