14/01/2016 12:42 GMT+7

Bộ trưởng Thăng: Chưa thay được biển báo bất hợp lý thì nhổ vứt đi

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đề nghị như vậy trong hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) sáng 14-1.

Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: TTO
Bộ trưởng Đinh La Thăng - Ảnh: TTO

Theo TCĐB, trong thời gian qua đã rà soát, điều chỉnh 385 cụm biển báo hạn chế tốc độ, bỏ hết các biển dưới 40km/g bất hợp lý ở quốc lộ, gỡ bỏ 614 biển báo thông tin tốc độ bất cập, cản trở tầm nhìn; loại bỏ 652 biển báo không phù hợp hoặc không cần thiết…

Tuy nhiên, ông Thăng cho biết bản thân ông thường xuyên nhận được phản ánh về biển báo, vạch sơn kẻ không phù hợp gây bức xúc cho người đi đường.

Tôi đã nhắc rất nhiều các cơ quan đi kiểm tra từng cái một. Trong khi chưa thay đổi được thì nhổ biển vứt đi là xong, không tốn tiền gì cả. Nếu không có chỗ để thì nhổ xong cho bà mua đồng nhôm sắt vụn là xong, chả gây bức xúc gì. Biển báo bức xúc thì thà không có còn hơn. Đầu tư bao nhiêu tiền cho cao tốc, mở rộng quốc lộ mà vẫn để tốc độ như cũ thì rất bất hợp lý. Để người dân kêu mãi, bức xúc mãi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng

Ông Thăng nói nói thêm ở trạm thu phí cũng không cần đặt biển báo hạn chế tốc độ quá thấp, bởi thấy ít xe thì người ta đi nhanh, thấy đông thì đi chậm: “Không ai dám đâm vào đám đông, các anh không phải lo”.

Theo ông Thăng, công tác ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sửa chữa, bảo trì đường bộ, quản lý vận tải, hạ tầng còn chưa tốt.

Ông kể câu chuyện khi sang nước ngoài có doanh nghiệp gặp và bảo 20 năm rồi Việt Nam vẫn sửa chữa đường theo cách lạc hậu trong khi họ đề xuất phương pháp sửa chữa giảm 30% cả thời gian và chi phí nhưng không thể vào được Việt Nam vì "lãnh đạo TCĐB không thích tiết kệm".

“Tất nhiên người ta nói một chiều. Nhưng mới nhất có doanh nghiệp Hàn Quốc gửi cho tôi đề nghị cho họ bỏ tiền ra sửa chữa đường, thời gian giảm 30%, chi phí giảm 39 đến 40%", ông cho biết 

"Tôi đã nói rất nhiều làm sao ứng dụng KHCN vào, đưa ra điều kiện tiêu chí sửa chữa từ nhân lực đến máy móc thiết bị để thực hiện nhưng chưa được nên chất lượng sửa chữa không tốt, chưa kiểm soát được. Đến giờ tôi vẫn luôn lo lắng trong việc này tiềm ẩn những rủi ro về thất thoát, tiêu cực, tham nhũng.

Mỗi năm 7.000 tỉ được giao TCĐB sửa chữa đường bộ không phải là nhỏ, giảm được 40% của 7.000 tỉ đồng là bao nhiêu? Người ta sắp hàng để làm, anh chỉ cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi nghiệm thu nhưng không làm được để người ta nói” - ông Thăng dẫn chứng và đặt ra mục tiêu phải giảm được 30% chi phí bảo trì sửa chữa đường bộ trong năm 2016.

Ông Thăng nhận định việc kiểm soát xe quá tải vẫn chưa có sự phối hợp tốt giữa lực lượng của TCĐB và các tỉnh nên xe quá tải vẫn chạy lông nhông hết chỗ này chỗ khác chưa xử lý được. Nếu xe quá tải giảm được 91% thì trong 9% chở quá tải còn lại có cả nguyên nhân là “còn chỗ dựa”.

Vẫn còn 9% xe quá tải thì vẫn là làm yếu hoặc có "ông anh bà chị làm ở TCĐB hoặc ở đâu đó" chẳng hạn. 

Ông Thăng cũng chê TCĐB còn chậm trong việc nắm bắt thông tin lĩnh vực khi phần lớn chuyện đường hỏng, bất cập về đường bộ được ông nắm qua tin nhắn, qua báo chí. Việc người dân thôn Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, Quảng Trị phải qua sông bằng... hai sợi dây cáp báo chí phản ánh mà TCĐB không biết, không báo cáo lên.

Ông Thăng cho rằng dù có phân cấp quản lý về giao thông nhưng TCĐB cần phải biết xúc động, lo lắng, chia sẻ với người dân, bàn với địa phương để có giải pháp.

“Nếu các ông thử vào bám dây đi qua sông như người dân có khi “ướt hết cả quần”. Không nên nghĩ việc đó là bình thường như người ta làm xiếc đi xe đạp trên dây được”- ông Thăng nói.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên