29/11/2024 17:53 GMT+7

Bộ trưởng Tài chính: Quản lý doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng theo ba rem thì không có người tài

Người đại diện quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, nên cần có cơ chế quản lý, đánh giá gắn chế độ đãi ngộ phù hợp.

Bộ trưởng Tài chính: Quản lý doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng theo barem thì không có người tài - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Quốc hội

Chiều 29-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp nhà nước (sửa đổi), đề nghị cần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn nhưng hoạt động kém năng động, hiệu quả mang lại thấp hơn doanh nghiệp tư nhân. 

Nguyên nhân do cơ chế quản lý chồng chéo, trói buộc và cứng nhắc nên không phân định rõ trách nhiệm. 

Cử một người đại diện vốn, được toàn quyền quyết định nhân sự?

Với nguyên tắc có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó, ông Cường cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Theo đó, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ, mà cần mở rộng đối tượng nắm giữ dưới 50% vốn, doanh nghiệp F2, F3...

Đặc biệt, đại diện phần vốn nhà nước nên sửa đổi cho phù hợp, thay vì một nhóm người thì nên để cơ quan đại diện chủ sở hữu cử hoặc thuê người đại diện quyền và chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn. Người đại diện không chỉ được giao và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, mà cần phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, lựa chọn theo tiêu chuẩn.

Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), mô hình cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cụ thể là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành lập từ năm 2018 để tách bạch quản lý nhà nước và quản lý vốn, nhưng hoạt động vẫn mang tính hành chính mà chưa gắn với chuyên môn điều hành của doanh nghiệp. 

Vì vậy, việc lựa chọn mô hình đại diện chủ sở hữu vốn có vai trò quan trọng để xác định quyền, trách nhiệm của cơ quan này. Trong đó cần làm rõ đây là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính hay một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ. 

Theo đó, chức năng chủ sở hữu nên được tách bạch với chức năng quản lý nhà nước. Hạn chế các can thiệp có tính chất hành chính vào hoạt động điều hành, gắn trách nhiệm giải trình, cung cấp thông tin minh bạch và giám sát. 

Đồng thời cần tạo cơ chế tuyển dụng nhân sự quản lý, điều hành gắn với hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu cao về năng lực, tính độc lập, sự liêm chính; hoạt động trong một mô hình có sự giám sát và cân bằng quyền lực. 

Cần quy định tăng tính tự chủ của doanh nghiệp nhà nước

Đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng với mục tiêu cởi trói và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhà nước, nên rà soát và giảm bớt quy định mang tính hành chính. Theo đó, cần tăng quyền tự chủ, tự quyết của hội đồng thành viên, gắn với đổi mới mô hình đại diện quyền sở hữu vốn mang tính "cách mạng hơn".

Hiện có nhiều tập đoàn quốc gia, như dầu khí quốc gia, hãng hàng không quốc gia… cũng được xếp chung doanh nghiệp khác mà không có tiêu chí về doanh nghiệp đầu đàn, nòng cốt. Vì vậy, quy định luật cần phải có tiêu chí này để phân biệt được doanh nghiệp nòng cốt để phát huy vai trò. 

Bộ trưởng Tài chính: Quản lý doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng theo barem thì không có người tài - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: Quốc hội

Giải trình các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng gửi lời cảm ơn các đại biểu đã tin tưởng bầu ông vào vị trí bộ trưởng Bộ Tài chính và cam kết sẽ nỗ lực hết sức trong vai trò mới, tiếp thu tối đa, nghiêm túc các ý kiến đại biểu để nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo luật.

Đồng tình với quan điểm của nhiều đại biểu, ông Thắng cho rằng việc sửa đổi này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để đảm bảo bình đẳng, gắn quyền và trách nhiệm với các nhà đầu tư khác theo thông lệ quốc tế. 

Vì vậy cần chấm dứt can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào đầu tư kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường.

Với đề nghị của đại biểu về việc mở rộng đối tượng từ 50% vốn trở xuống, ông Thắng cho hay sẽ nghiên cứu tiếp thu để báo cáo Chính phủ, bổ sung vào dự thảo cho phù hợp. Đồng thời nghiên cứu tiếp thu quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, tránh việc tạo ra rào cản. 

Với những ý kiến đối với người đại diện vốn của doanh nghiệp, tân bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vị trí này có vai trò quan trọng trong bảo toàn và phát triển vốn. Vì vậy cần có cơ chế quản lý, đánh giá, gắn chế độ đãi ngộ phù hợp và công cụ để đảm bảo hiệu quả. 

"Nếu đưa ra cơ chế khắt khe, họ rất vất vả nhưng tiền lương thưởng theo ba rem, thang bậc thì không bao giờ có người tài và có người tài thì họ cũng không làm hết trách nhiệm. Doanh nghiệp ở ngoài cùng ngành nghề họ trả gấp 5-10 lần, còn người đại diện vốn nhà nước được trả rất thấp, rõ ràng là không được", ông Thắng nói. 

Theo đó, ông Thắng đồng tình việc có quy định khách quan, minh bạch với người quản lý. Khi làm tốt, vượt lợi nhuận có lương thưởng, còn làm không tốt thì có thể cảnh báo, thậm chí sa thải mới sòng phẳng. 

Việc này cũng tương tự áp dụng như cơ chế của doanh nghiệp tư nhân, để tăng hiệu quả trong quản lý nhằm giải quyết khó khăn nhất hiện nay là chế độ lương thưởng của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Bộ trưởng Tài chính: Quản lý doanh nghiệp nhà nước, lương thưởng theo barem thì không có người tài - Ảnh 4.Đầu tư có lãi có lỗ, không thể cứ lỗ cán bộ lại bị quy làm thất thoát vốn nhà nước

Đầu tư phải có lỗ, có lãi nên nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý nhưng thua lỗ do yếu tố khách quan cần phải cân nhắc khi kết luận thất thoát vốn nhà nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên