Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay đã quá lỗi thời, trao đổi với Tuổi Trẻ Online bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói đã có kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật.
So sánh với thế giới, ông Phớc nói chỉ số giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam so với lương cơ sở đang cao hơn so với mức thu nhập bình quân chung của thế giới là 2,4 lần. Thực tế, ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5-1 lần.
Dẫn chứng cụ thể, ông nói mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc, trong khi lương bình quân là 4,6 triệu đồng. Như vậy mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở là cao.
Tuy nhiên, so sánh với mức sống đô thị của người dân, ông Phớc cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là thấp. Đặc biệt khi có chia sẻ về mức thu nhập của một phóng viên là 12 triệu đồng/tháng, ông cho rằng đây là mức không đủ sống. Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị và điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 3 lần vào các năm 2014, 2019 và 2020.
Vì vậy, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất đưa vào chương trình sửa luật.
Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện sửa các luật gồm Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế sửa đổi.
Về hướng dự kiến sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, bộ trưởng cho hay trong năm tới sẽ thực hiện cải cách tiền lương từ 1-7. Trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7-8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân.
Với thu nhập bình quân, theo ông Phớc, đây sẽ là cơ sở để phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, theo vùng miền và nâng mức giảm trừ gia cảnh lên cho phù hợp với thực tế. Tuy vậy, tư lệnh ngành tài chính cũng cho rằng thu thuế thu nhập cá nhân trên tổng số thu ngân sách chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, dưới 5% và “không thấm vào đâu” so với thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu nhưng chậm điều chỉnh
Trước đó, đại biểu Trần Văn Lâm - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - thẳng thắn chỉ ra nhiều chính sách thu ngân sách đang biểu hiện sự lạc hậu, bất cập nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.
Điển hình là Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với các quy định về khởi điểm thu nhập chịu thuế; phân chia bậc lũy tiến.
Theo đại biểu, mức giảm trừ gia cảnh đều đang không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... “Có nội dung đã lạc hậu cả chục năm là bất cập lớn” - ông Lâm nói.
Vấn đề này cũng đã được đại biểu Lâm và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập trước đây. Bởi hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7-2020.
Trong khi đó, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm 7 bậc chịu thuế áp dụng từ năm 2007 đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận