22/05/2018 17:00 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật: Trung Quốc muốn 'sự đã rồi' trên Biển Đông

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera xuất hiện trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc có thể sắp đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật: Trung Quốc muốn sự đã rồi trên Biển Đông - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 22-5 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin một số máy bay ném bom của Trung Quốc lần đầu tiên hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong bản tin được phát trên Đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Quốc phòng Onodera nhận định Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng các hoạt động san lấp nhanh chóng và quy mô lớn trên , thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở và căn cứ quân sự, đồng thời gia tăng hoạt động trên Biển Đông.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo đây là những bước đi nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy mọi việc vào "sự đã rồi" của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh Tokyo rất quan ngại về tình trạng này, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế hợp tác để duy trì và củng cố trật tự trên biển một cách tự do, rộng mở dựa trên luật pháp.

Sau các thông tin trên báo chí phương tây, Không quân Trung Quốc ra thông báo cho biết một số máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân H-6K của nước này đã hạ cánh xuống một sân bay ở Biển Đông ngày 18-5. Tuyên bố này không nói rõ sân bay nào nhưng theo phân tích của các chuyên gia, đó là sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát bất hợp pháp.

Trong phản ứng của mình, ngày 21-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, DOC, tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật: Trung Quốc muốn sự đã rồi trên Biển Đông - Ảnh 2.

Ảnh chụp tháng 5-2018 các nhà chứa máy bay cỡ lớn trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với kích thước này, chúng đủ sức chứa những máy bay như H-6K mà Trung Quốc cho đáp xuống Phú Lâm. Đá Chữ Thập và Subi có các nhà chứa tương tự - Ảnh: CSIS/AMTI

Biển Hoa Đông 2.0?

Ngày 23-11-2013, Trung Quốc đơn phương tuyên bố cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Điều đáng nói, khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố bao trùm cả quần đảo đang tranh chấp với Nhật Bản là Điếu Ngư/Senkaku và đá Socotra đang tranh chấp với Hàn Quốc.

ADIZ của Trung Quốc còn nằm chồng lên cả ADIZ có từ trước của Hàn Quốc và Nhật Bản khiến các bên liên quan phản đối mạnh mẽ. Mỹ - đồng minh của Tokyo và Seoul, phản ứng bằng việc điều máy bay ném bom B-52 bay thẳng vào khu vực ADIZ Trung Quốc tuyên bố mà không cần khai báo.

Trước các động thái gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông, giới chuyên gia lo ngại kịch bản ADIZ đơn phương trên biển Hoa Đông có thể sắp sửa lặp lại trên Biển Đông.

Trung Quốc đã đưa các hệ thống tên lửa phòng thủ và tấn công ra các thực thể nhân tạo chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các nhà chứa máy bay cỡ lớn tại Chữ Thập, Subi và Vành Khăn đủ sức chứa những oanh tạc cơ như H-6K.

Điều này làm dấy lên suy đoán Bắc Kinh đang chuẩn bị tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Việc các loại vũ khí được triển khai đến đó một phần nhằm thị uy, phần khác bảo vệ cho những tuyên bố đơn phương và vô lý của Trung Quốc.

Cần hiểu ADIZ của một quốc gia là khu vực khi các máy bay nước ngoài tiến vào cần phải khai báo danh tính với quốc gia sở hữu.

Như vậy, nếu Bắc Kinh đơn phương tuyên bố ADIZ trên Biển Đông và việc các máy bay nước ngoài khai báo danh tính với Trung Quốc cũng đồng nghĩa thừa nhận chủ quyền vô lý của Bắc Kinh tại khu vực.

So với ADIZ trên biển Hoa Đông, rõ ràng nếu một ADIZ xuất hiện trên Biển Đông, nó sẽ có vị thế hoàn toàn khác, với sự đảm bảo mạnh mẽ từ các loại vũ khí mà Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp.

Thủ tướng Úc ủng hộ cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa oanh tạc cơ đến Hoàng Sa Đến lượt Philippines phản ứng Trung Quốc vụ máy bay ném bom ở Hoàng Sa
BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên