Phát biểu hôm 5-6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng Đức cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Nga trong những năm tới.
“Đức cần phải chuẩn bị cho chiến tranh với Nga nổ ra vào năm 2029”, Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời ông Pistorius.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói thêm Berlin phải chú ý đến công tác đào tạo nhân sự, tập trung ổn định tài chính và vật chất của quân đội để chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh trực diện với Matxcơva.
Không những vậy, ông Pistorius cảnh báo thêm rằng chiến thắng của Nga ở chiến trường Ukraine sẽ khiến Đức phải “trả giá đắt hơn nhiều”, so với những gì Berlin đã bỏ ra để hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kiev.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Đức gọi việc khôi phục nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở nước này là việc làm khẩn cấp.
Đáp trả lại phát biểu trên của nhà lãnh đạo Đức, lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng trực thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrei Kartapolov nhận định tuyên bố này nhằm thúc đẩy các đồng minh phương Tây nhanh chóng bơm thêm viện trợ cho Ukraine.
Đây không phải lần đầu tiên quan chức Đức đề cập đến việc bùng phát một cuộc xung đột giữa Nga và Đức. Trước đó hồi đầu tháng 3, các hội đồng địa phương ở Đức kêu gọi chi hàng tỉ euro để xây dựng hầm trú ẩn và hệ thống còi báo động mới, phòng trường hợp chiến tranh.
“Chúng tôi cần ít nhất 1 tỉ euro mỗi năm và duy trì số tiền này trong 10 năm tới để bảo vệ người dân thường”, ông André Berghegger, người đứng đầu Hiệp hội các hội đồng địa phương Đức, nói với báo Telegraph.
Theo ông Berghegger, Đức có hơn 2.000 hầm trú ẩn trong Chiến tranh lạnh, nhưng hiện chỉ còn 600 hầm trú ẩn có thể cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 500.000 người.
Ở thời điểm đầu năm 2024, Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius từng kêu gọi chính quyền địa phương đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, để bảo vệ người dân thường khỏi bom đạn.
Theo Telegraph, trong số các bộ trưởng tại nội các của Chính phủ Đức, ông Pistorius là người trực tiếp kêu gọi công chúng nước này nên nghiêm túc xem xét các mối đe dọa chiến tranh.
Nga “nóng mặt” khi các quan chức phương Tây nhắc hai chữ “chiến tranh”
Cũng theo Hãng thông tấn RIA, thời gian gần đây ngày càng có nhiều cuộc thảo luận và phát biểu đề cập đến việc các quốc gia khác “nhúng tay” vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố Paris không loại trừ khả năng điều quân đến chiến trường Ukraine, trong trường hợp quân đội Matxcơva tiến thêm nhiều bước tiến ở tiền tuyến hoặc phía Kiev yêu cầu hỗ trợ quân lực.
Tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin ba nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania (hay Litva) và Ba Lan từng cảnh báo về việc Đức có thể gửi quân đến Ukraine nếu tình hình chiến trường bất lợi cho Kiev.
Điện Kremlin gọi những phát biểu trên của phương Tây là động thái làm leo thang căng thẳng chưa từng có và tuyên bố phía Matxcơva phải đưa ra những biện pháp đặc biệt để giải quyết tình hình.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 6-2 với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Matxcơva sẽ không tấn công các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhà lãnh đạo Nga giải thích việc tấn công NATO chẳng mang lại lợi ích gì cho Nga nên hiển nhiên Matxcơva sẽ không làm như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận