Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trao đổi khi tham quan các sản phẩm do sinh viên các trường trong lĩnh vực nông nghiệp chế tạo - Ảnh: CHÍ TUỆ
Buổi tọa đàm do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tổ chức.
Theo Bộ trưởng Nhạ, cả nước hiện có 54 cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu đào tạo có liên quan đến các ngành nông nghiệp với 325 chuyên ngành, hằng năm tốt nghiệp hàng vạn cử nhân phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng so với nhu cầu số này cũng còn nhỏ.
Đặc biệt về chất lượng, qua khảo sát năm 2018, trong 1.000 sinh viên tốt nghiệp thì có khoảng 75% có việc làm theo đúng ngành nghề đào tạo, con số này chưa phải cao, còn 25% nữa chưa có việc làm hoặc phải đổi nghề.
Vấn đề đặt ra một thách thức, vậy các cơ sở đào tạo cung ứng nguồn đào tạo cho lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng trước những thách thức gì, khó khăn gì?
Để giải quyết được vấn đề trên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng phải nhìn nhận thực tế các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay rất hạn chế, phần lớn các cơ sở đào tạo theo kế hoạch chứ không theo nghiên cứu, dự báo.
Hiện vẫn chủ yếu đào tạo các ngành truyền thống nhiều trong khi các ngành công nghệ mới phục vụ cho nông nghiệp còn khiêm tốn...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng những năm gần đây tuyển sinh, hướng nghiệp vào các ngành nông nghiệp chưa hiệu quả, đặt ra vấn đề dự báo nghề nghiệp chưa thực tế. Chương trình đào tạo chưa sát với thực tiễn, quy trình xây dựng, tổ chức chưa hợp lý dẫn đến sản phẩm đào tạo ra chưa thực sự thích nghi ngay.
Doanh nghiệp mất nhiều công để đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà… vì khi ra trường nhiều sinh viên còn thiếu rất nhiều kỹ năng thực tế.
"Phương thức tổ chức đào tạo chúng ta vẫn chủ yếu trong nhà trường, thầy dạy trò chép, thực tập, thực tế gọi là có, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu tiềm năng. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn ngơ ngác, chúng ta phải nhìn rất thực tế" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng phương thức tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ yếu thầy dạy trò chép, thực tập, thực tế gọi là có - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo Bộ trưởng Nhạ, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật giáo dục sửa đổi với tinh thần tự chủ rất cao, nhiều người nói đây có thể nói đây là bước ngoặt để các cơ sở giáo dục đại học tự quyết định vận mệnh.
Tới đây, bộ cũng đang trình Chính phủ nghị định về tự chủ đại học, khi đó các trường sẽ tự quyết định từ chương trình đạo tạo, ngành nghề, tổ chức bộ máy, tài chính…
Một nghị định nữa là thực hiện Luật giáo dục đại học sửa đổi bổ sung một số điều, rồi một số thông tư để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nhưng cũng siết chặt chất lượng...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu khách quan để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội đối với trong thời kỳ mới.
Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỉ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, chúng ta cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận