16/04/2019 19:18 GMT+7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Có bạo lực học đường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đây là một nội dung trong chỉ thị của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực học đường được ký ngày 16-4.

Chỉ thị được ban hành sau hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra ở nhiều trường phổ thông cả nước.

Tại chỉ thị, ngoài việc nâng cao các hình thức tuyên truyền chống bạo lực học đường, bộ trưởng yêu cầu các sở GD-ĐT phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. 

Các sở GD-ĐT phải tham mưu UBND tỉnh, thành đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, sân chơi, bãi tập, bố trí giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. 

Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể để thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống bạo lực học đường, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.              

Với việc khẳng định thủ trưởng cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc thực hiện đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để thực hiện hiệu quả.        

Trong đó lưu ý quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý.

Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát…) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường. 

Chỉ thị cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên phải tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên. 

Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, kỹ năng tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề đào tạo về công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên sư phạm.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên