Ảnh: V.D. |
Ông Luận nói: “Lần này, Chính phủ đề nghị với Quốc hội để ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình - SGK phổ thông. Kết cấu của nghị quyết chỉ đơn giản gồm ba phần: mục tiêu đổi mới, tiến độ và tổ chức thực hiện quá trình đó thế nào. Trong hồ sơ chúng tôi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có con số nào về tiền nong”.
Theo ông Luận: “Con số trên 34.000 tỉ đồng, sau khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia khác nhau. Trong số 34.000 tỉ đồng này, các nhóm chuyên gia đề xuất không chỉ biên soạn SGK mà còn bao gồm cả đào tạo đội ngũ giáo viên, mua sắm trang thiết bị và nhiều công việc khác. Riêng về biên soạn chương trình - SGK, nhóm chuyên gia đề xuất trên 100 tỉ đồng”.
Giải thích về việc công bố con số trên trong khi chưa xin ý kiến theo đúng quy trình, ông Luận bày tỏ: “Đây là một sai sót, sơ suất đáng tiếc. Vào những ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cuộc giải trình này, tôi phải đi nước ngoài trên cương vị chủ tịch Hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước Asean, nên không thể tham gia trực tiếp. Tại phiên giải trình này, khi đại diện của bộ trình bày tờ trình thì không có nội dung về tiền nong. Con số 34.000 tỉ đồng được nêu lên khi thông tin, giải đáp câu hỏi của các ủy viên Thường vụ Quốc hội. Để xảy ra sơ suất này, trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT và chúng tôi xin nhận trách nhiệm”.
Ông Phạm Vũ Luận cho biết tất cả công việc tiếp theo sẽ được triển khai theo quy trình chặt chẽ. Sau khi Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình - SGK phổ thông, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng đề án về biên soạn chương trình - SGK phổ thông mới, trong đó nêu tất cả công việc liên quan, định mức, quy định mức chi tiêu, số tiền, các nguồn lực cần phải có, xin ý kiến của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục, các bộ ngành sẽ thẩm định, Chính phủ sẽ thảo luận. Sau đấy, Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, ban hành quyết định theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Quốc hội nếu công việc vượt thẩm quyền.
Trước đó trong các ngày 14, 15, 16-4, đại diện Bộ GD-ĐT đưa ra con số dự chi trên 34.000 tỉ đồng cho đề án biên soạn chương trình - SGK phổ thông. Con số này chỉ bằng một nửa con số gây sốc 70.000 tỉ đồng được đưa ra cách đây ba năm cho công việc tương tự nhưng vẫn gây bức xúc dư luận.
GSNGUYỄN MINH THUYẾT: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại bị “việt vị” rồi!”
Trước khi bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời trong chương trình “Dân hỏi - bộ trưởng trả lời” trên VTV1 tối 20-4, tôi có trao đổi với báo chí rằng có sự bất bình thường về trình tự, thủ tục khi Bộ GD-ĐT công bố một số tiền rất lớn cho đề án đổi mới chương trình - SGK nhưng chỉ là con số khái toán chưa được tập thể Chính phủ thông qua. Bây giờ thì bộ trưởng khẳng định đây chỉ là con số của các nhóm nghiên cứu cung cấp. Con số này chưa qua thẩm định của Bộ Tài chính, chưa xin ý kiến Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chưa trình Chính phủ nhưng lại công bố ở cuộc họp Thường vụ Quốc hội, rồi thông tin rộng rãi cho xã hội là việc cần rút kinh nghiệm nghiêm túc. Nhân đây tôi cũng nói về việc thành lập Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục theo nghị quyết trung ương 8. Cần đặt câu hỏi: Thẩm quyền thực hiện nghị quyết về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện giao cho ai? Bộ GD-ĐT hay ủy ban? Tôi cho rằng thẩm quyền cao nhất trong việc này phải là của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục. Nhưng hiện thời ủy ban còn chưa được thành lập mà Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án đổi mới chương trình - SGK. Như vậy sau này, thành viên của ủy ban sẽ bị đặt vào thế đã rồi. Một điều nữa, nghị quyết trung ương 8 thông qua chủ trương về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện rồi thì công việc tiếp theo là Chính phủ cần có một chương trình hành động tổng thể. Nhưng năm tháng trôi qua từ khi nghị quyết được thông qua, chương trình hành động vẫn chưa có. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại lo trình đề án lẻ. Cách làm này không thể chấp nhận được. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là việc lớn quan trọng, nhưng khi đề án đổi mới chương trình - SGK trình tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội thì tư lệnh ngành lại đi nước ngoài. Để rồi khi có sai sót thì cho rằng “anh em ở nhà làm không đúng”. Cách làm như thế có ổn không? PGSVĂN NHƯ CƯƠNG: “Cách làm việc thể hiện sự tùy tiện”
Nhìn lại câu chuyện ầm ĩ tuần qua, bắt đầu từ phát ngôn của ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - về trên 34.000 tỉ đồng khiến nhiều người giật mình. Rồi ở cuộc họp báo định kỳ, một vị khác lại cho rằng tiền viết chương trình - SGK “chỉ có 5.000 tỉ đồng”. Một ngày sau, ông Hiển lên truyền hình khẳng định như đinh đóng cột là dự kiến chi 105 tỉ đồng cho khâu biên soạn chương trình - SGK. Đại diện của Bộ GD-ĐT cũng cung cấp cho báo chí những khoản tiền cụ thể về các khoản chi để cho thấy họ có tính toán cụ thể, rõ ràng. Nhưng càng “cụ thể, rõ ràng” càng cho thấy những phi lý, điển hình là số tiền trang thiết bị dạy học lên tới trên 20.000 tỉ đồng. Mà lạ ở chỗ Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ khái toán nhưng khoản nào cũng công bố con số khá lẻ như 910 tỉ đồng cho tổ chức dạy thử nghiệm, hay 8.150 tỉ đồng cho tổ chức dạy đại trà... Như vậy thì đâu phải khái toán mà phải là con số có tính toán hẳn hoi và lẽ thường là phải xin ý kiến theo quy trình mới có thể công bố. Điểm lại những phát ngôn gây sốc và mâu thuẫn nhau của Bộ GD-ĐT để thấy không chỉ Bộ GD-ĐT làm việc tùy tiện mà còn cố gắng để đối phó với dư luận, nên sai thì càng sai to hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận