12/09/2022 15:06 GMT+7

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: 30 năm tăng 25 tỉnh, 183 huyện, nay 'quay ngược, giảm thực sự rất khó'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ phải thừa nhận sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới và thật sự "rất khó, rất phức tạp". Theo đó, 30 năm (từ năm 1986 đến 2015) tăng 25 tỉnh, 183 huyện.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: 30 năm tăng 25 tỉnh, 183 huyện, nay quay ngược, giảm thực sự rất khó - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: PHẠM THẮNG

Sáng 12-9, đại diện đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

Giảm 8 huyện, 561 xã, hơn 2.000 tỉ đồng

Theo đó, trong 3 năm cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Cả nước đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người.

Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ phải thừa nhận sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới và thật sự "rất khó, rất phức tạp".

Bởi theo bà Trà, trong suốt giai đoạn trước đó, trong khoảng 30 năm từ 1986 đến 2015 hầu như các địa phương chỉ thực hiện việc chia tách.

Theo bà Trà, trước năm 1986 chúng ta có 38 tỉnh và giờ lên 63 tỉnh, thành (tăng 25 tỉnh). Cấp huyện từ 530 đơn vị lên tới 713 đơn vị (tăng 183 huyện). Cấp xã từ 9.657 đơn vị tăng lên 11.162 đơn vị (tăng 1.505 xã).

"Khi đang trong xu thế tăng mà bây giờ ta quay ngược lại, tiếp tục sắp xếp lại, giảm thực sự đây là vấn đề rất lớn về tư tưởng. Nếu không giải phóng tốt được tư tưởng thì rất khó thực hiện", bà Trà nêu.

Bà cho rằng dù khó nhưng với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chúng ta đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã và đây là "con số có thể nói mang tính lịch sử".

Qua sắp xếp đã giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện, 32,6% biên chế công chức của cấp xã, giảm 56,4% số người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Nhờ đó giảm chi ngân sách nhà nước trên 2.000 tỉ đồng.

"Bài toán khó khăn lớn nhất là bố trí sắp xếp giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. Chúng tôi sẽ phải tập trung rất cao vào các nhóm giải pháp để tập trung tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập.

Bởi vì sắp xếp tốt chỗ này thì sẽ tạo động lực để cho chúng ta thực hiện việc sắp xếp trong giai đoạn tới", bà Trà nói thêm.

Đề nghị bổ sung chính sách với cán bộ dôi dư để thực hiện tinh giản

Nêu thêm sau đó về việc sắp xếp cán bộ dôi dư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói đây là việc rất phức tạp.

Ông nói việc này không thể làm một cách cứng nhắc và máy móc mà còn phải xem xét các yếu tố, hoàn cảnh rất cụ thể của từng địa phương và hoàn cảnh cụ thể của từng cán bộ, công chức dôi dư. Cạnh đó xem xét nguyện vọng cũng như khả năng có thể bố trí ở các đơn vị cụ thể.

Theo ông, lộ trình để sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 5 năm kể từ thời điểm nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương cụ thể đó được ban hành, có hiệu lực.

Do đó thời gian sắp xếp theo quy định hiện nay với đa số các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã sắp xếp kéo dài cho đến khoảng cuối năm 2024.

Đối với một số đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp vào thời điểm giữa năm 2020 thì thời gian sắp xếp kéo dài đến khoảng giữa năm 2025.

Hiện nay vẫn còn lộ trình khoảng 3 năm để các địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp số cán bộ, công chức, viên chức còn dôi dư này.

Quá trình giám sát, một số địa phương có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp lớn, cán bộ, công chức dôi dư nhiều như Thanh Hóa đề nghị xem xét tính thêm thời gian, tính thêm lộ trình sắp xếp, không phải đến 2024-2025, mà tính đến 2027-2028.

Song đoàn giám sát đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chủ trương được Bộ Chính trị đề ra, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách liên quan cán bộ dôi dư thỏa đáng hơn nhằm động viên thực hiện chế độ tinh giản.  

Chủ tịch Quốc hội: TP.HCM đề nghị cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức vì Chủ tịch Quốc hội: TP.HCM đề nghị cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức vì 'cái áo chật quá'

TTO - Trả lời ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về TP Thủ Đức (thuộc TP.HCM), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng TP Thủ Đức là đô thị dưới cấp tỉnh nhưng cần cơ chế cụ thể về phân cấp, phân quyền cho phù hợp.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên