Phát biểu tại tổ ngày 24-10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết Đảng, Nhà nước đã giao bộ là cơ quan chủ trì xây dựng cho được Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035.
Bộ sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến hợp lý
Sau khi có nghị quyết từ Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, bộ đã tổ chức hai hội thảo với sự tham dự của 63 địa phương, bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà.
Chương trình mục tiêu quốc gia sau đó được xây dựng bám sát Luật Đầu tư công.
Về con số 350.000 tỉ đồng, theo ông Hùng, được tổng hợp từ các địa phương và đây là con số khái quát, còn phải lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn để tính toán.
"Nhiều khi không hiểu, chưa có thông tin đầy đủ sẽ đặt câu hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm gì mà cần 350.000 tỉ đồng, trong lúc đất nước còn khó khăn lấy đâu ra. Tôi nói rõ số tiền này không phải lấy cho bộ", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận nếu chỉ nghe đến số tiền của chương trình và giật mình mà chưa tìm hiểu đề án sẽ rất khó.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Bộ sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tất cả ý kiến hợp lý cho chương trình, kể cả những ý kiến khó nghe hoặc hiểu không đúng, bởi họ yêu quý thì mới góp ý", ông Hùng nêu rõ.
Nhiều mục tiêu của chương trình
Cũng theo ông Hùng, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo bảo tồn phát huy các di sản, từ đó làm nơi để quảng bá văn hóa, bao gồm nguồn lực của Nhà nước và của xã hội.
Ông lấy ví dụ cả nước có 128 di tích đặc biệt quốc gia. Nhiều di tích ở địa phương bị xuống cấp và hỏng nhưng chưa được quan tâm bởi nguồn lực ở địa phương còn có hạn.
Các di tích này cần được chăm lo và đó là các di tích lịch sử cách mạng, vì thế rất cần để đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia.
Mục tiêu nữa mà ông Hùng đề cập đến là phải bảo tồn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc như tuồng, chèo, cải lương…
Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ông nói tại các quốc gia đều có các trung tâm văn hóa đặt ở nước ngoài và sức ảnh hưởng của các trung tâm này rất lớn. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, hiện ta chỉ có hai trung tâm văn hóa đặt tại Lào và Việt - Pháp mới được đầu tư.
Với nhu cầu mở rộng ngoại giao văn hóa hiện nay, bộ đã khu trú và lựa chọn khu vực, vùng nào có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống đông nhất để đề xuất Chính phủ và Quốc hội cho phép được thành lập một số trung tâm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ khi được thông qua với những mục tiêu cụ thể, mong các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để bộ hoàn thiện tiếp chương trình này.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công văn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá dự thảo mới nêu một số căn cứ xác định nhu cầu vốn ngân sách trung ương mà chưa nêu cơ sở, phương pháp xác định tổng vốn đầu tư của chương trình 350.000 tỉ đồng trong 11 năm (2025 - 2035).
Tổng vốn đầu tư cũng chưa được tính toán dựa trên mục tiêu, quy mô chương trình.
Cơ quan soạn thảo ước tính đến năm 2030 cần 182.000 tỉ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỉ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỉ đồng; vốn sự nghiệp 27.500 tỉ đồng); vốn địa phương 36.000 tỉ đồng; nguồn khác 36.000 tỉ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến thời điểm này chưa có cơ sở đề xuất nguồn lực cụ thể cả hai giai đoạn của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận