Sáng 17-6, Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Đề nghị làm rõ tính hiệu quả của thời gian triển khai, hoàn thành
Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8km, sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành 6 làn xe, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, giải phóng mặt bằng thực hiện một lần với 6 làn xe. Tốc độ thiết kế 100 - 120km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư 25.540 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỉ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 10.536 tỉ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.233 tỉ đồng. Vốn nhà đầu tư tham gia 12.770 tỉ đồng.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng theo báo cáo, hiện có 2 đường hiện hữu thực hiện BOT, giờ tiếp tục thực hiện theo phương thức BOT sẽ dẫn đến bất cập, gây ảnh hưởng đến 2 đường BOT đã hiện hữu.
Do vậy ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu để đảm bảo công bằng, thuận lợi cho các đối tác đầu tư.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026...
Đã tính toán các phương án tác động đến 2 dự án BOT hiện hữu
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề cập đến tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Theo ông Thắng, hiệu quả tài chính và thời gian thu hồi vốn của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tương đồng với 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa hoàn thành, chuẩn bị đưa vào thu phí.
Với việc đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện, ông Thắng nhận định dự án này có tính khả thi cao.
Ông nhắc đến một phương án khác là Nhà nước đầu tư toàn bộ dự án, sau đó nhượng quyền thu phí nhưng tin tưởng "không phải sử dụng tới giải pháp này".
Về tác động của cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành với các dự án BOT song hành trên quốc lộ 14, ông Thắng cho hay Chính phủ đã lường trước vấn đề này và Thủ tướng đã chỉ đạo bộ trình phương án xử lý, tháo gỡ các dự án BOT bị ảnh hưởng, đặc biệt do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các trục ngang trong đó có dự án này.
Bộ trưởng nhắc tới phương án có thể kéo dài thời gian thu phí nếu hai dự án BOT bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đảm bảo lưu lượng xe và khả năng tài chính.
Trong trường hợp doanh thu thu được trong thời gian quá dài sẽ cân đối xem xét để trình Quốc hội, Chính phủ bổ sung hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước cho hai dự án và tiếp tục thu phí.
Về thời gian thực hiện dự án, ông Thắng cho hay được tính toán dựa trên kinh nghiệm thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, thông thường chỉ tối đa khoảng 1,5 năm, còn 2 năm là quá dài. Nếu như 2025 bắt đầu khởi công thì hết 2026, sau 2 năm hoàn toàn có thể hoàn thành dự án.
Với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), theo bộ trưởng, không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên rất thuận lợi.
Ngoài ra, về giải phóng mặt bằng, các địa phương rất quyết tâm. "Sau khi Quốc hội phê duyệt, Chính phủ sẽ chỉ đạo và hai địa phương sẽ tích cực giải phóng mặt bằng và dự kiến khởi công trong năm 2024", ông Thắng khẳng định.
Một thuận lợi khác, về nguyên vật liệu, theo đánh giá hiện hai địa phương đã bố trí đầy đủ các vị trí mỏ, trữ lượng. Bên cạnh đó là các cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, chỉ định thầu để xây dựng khu tái định cư, bố trí mỏ nguyên vật liệu vốn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận