Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 11-11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn liên quan đến việc học trực tuyến, tổ chức kỳ thi quốc gia, đáp ứng các điều kiện học cho học sinh trong tình hình dịch bệnh…
Với câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): "Có nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia hay không?", Bộ trưởng Sơn cho hay việc thực hiện kỳ thi THPT đã được luật hóa, có tác dụng đánh giá kết quả học tập của học sinh, là căn cứ tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Do đó, năm học 2021-2022 bộ đã lên phương án cho hình thức thi linh hoạt hơn, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, từng tỉnh thành, nhóm tỉnh thành có lịch thi linh hoạt hơn. Theo đó bộ tính xây dựng bộ đề, ngân hàng đề đủ lớn cho phép thi nhiều lần hơn, thậm chí mỗi tỉnh có kế hoạch thi, mặc dù phức tạp hơn cho việc tổ chức.
"Bất đắc dĩ dịch bệnh phức tạp thì tổ chức thi như vậy nhưng việc thi vẫn phải thực hiện", bộ trưởng nói.
100.000 máy tính bảng để học trực tuyến đã trao cho học sinh khó khăn
Trao đổi về nền tảng công nghệ để học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết bộ đặt mục tiêu phủ sóng mạng di động tới 2.000 điểm, vừa qua đã phủ được 1.000 điểm, cố gắng phủ 1.000 điểm còn lại trong năm 2021, chậm nhất tới tháng 1-2022.
Theo ông Hùng, hiện nay cả nước có 8 triệu hộ gia đình chưa có cáp quang, nếu kéo cáp quang về được sẽ có Internet tốc độ tốt hơn nhiều. Bộ đặt mục tiêu trước năm 2025 cơ bản các hộ gia đình đều sẽ có cáp quang.
Nói về chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chương trình có 3 cấu thành với tổng trị giá 6.000 tỉ đồng. Trong đó có 1 triệu máy tính bảng trị giá 2.500 tỉ đồng trao tặng cho các em khó khăn. Vừa qua đã trao được 100.000 máy, nhưng do đứt gãy nguồn cung nên gặp khó khăn. Sắp tới đây và từ năm sau sẽ trao nhanh hơn.
Cùng với đó là miễn giảm 100% phí truy cập cho một số đối tượng đến hết năm 2021 với giá trị 500 tỉ đồng.
Hiện có 6 nền tảng giáo dục trực tuyến của Việt Nam cũng được triển khai và đang được cho sử dụng miễn phí, hiện có khoảng 10 triệu học sinh sử dụng. Ngoài ra, bộ cũng phát triển phần mềm để bố mẹ có thể quản lý các con khi học trực tuyến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận