Theo chương trình, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thành viên thứ 2 của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ "đăng đàn".
Phiên đăng đàn thứ hai của ông Diên bắt đầu từ 14h30 chiều 4-6 đến 8h50 sáng 5-6.
Ông Diên sẽ trả lời về công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Cùng với đó là giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
"Chia lửa" cùng bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có hơn 110 lượt đại biểu đặt câu hỏi.
Liên tục thiếu lãnh đạo và nhân lực có kinh nghiệm
Bày tỏ những khó khăn và thách thức chưa từng có, nhiều tồn tại lũy kế của ngành chưa được giải quyết triệt để, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ ngành công thương liên tục thiếu lãnh đạo bộ và nhân lực có kinh nghiệm. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ và giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp, ngành đã nỗ lực phấn đấu đạt kết quả trên các mặt.
Trong đó sản xuất công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi và phát triển, có sự bứt phá là động lực tăng trưởng. Thương mại trong nước tăng trưởng mạnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, xuất nhập khẩu đạt kim ngạch và thặng dư thương mại.
Đặc biệt thương mại điện tử phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng, quy mô thương mại điện tử đạt trên 20 tỉ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu tiêu dùng cả nước.
Bộ Công Thương đã chú trọng đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như hoàn thiện thể chế chính sách, tăng cường thanh kiểm tra, thiết lập cơ chế tiếp nhận và phản hồi với người tiêu dùng, gỡ bỏ nội dung bán hàng trái pháp luật trên nền tảng số.
Tuy vậy, ông Diên nhìn nhận còn nhiều tồn tại hạn chế và thách thức lớn, nên tới đây sẽ tiếp tục có giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Để thúc đẩy sản xuất trong nước, bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương đã đẩy mạnh đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, với 16 FTA được đưa vào thực thi và quan hệ với hơn 60 đối tác, phủ rộng nhiều nước, đưa nước ta là một trong 20 nước đứng đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế, liên tục đạt kỷ lục xuất siêu.
Việc khai thác hiệu quả FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác vẫn chưa kỳ vọng khi xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn còn phụ thuộc một số thị trường lớn, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu trong nước còn thấp so với nước ngoài…
Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí công nghiệp, ông Diên cho biết đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi phát triển sản xuất, kết nối doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng tập đoàn đa quốc gia, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa…
107 đại biểu đăng ký chất vấn bộ trưởng Bộ Công Thương
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) cho hay thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của chúng ta. Tuy nhiên thời gian qua đã bị các đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô, địa bàn hoạt động, nhất là các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội, đặc biệt hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội rất phức tạp.
Từ đó, ông đề nghị bộ trưởng cho biết thời gian tới có giải pháp gì để hạn chế ngăn chặn hành vi vi phạm để hướng tới xây dựng thương mại điện tử. Đồng thời, việc thu thuế đối với thương mại điện tử trên mạng xã hội sẽ thực hiện thế nào?
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) cho biết Bộ Công Thương thường xuyên công khai website bị phản ánh có dấu vi phạm trên cổng thông tin điện tử. Xin hỏi việc công khai này có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh không? Xin cho biết đang thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai?
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu một trong những vấn đề hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu thông tin cá nhân khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến. Bà đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp?
Bên cạnh đó, theo khảo sát tại 6 tỉnh thành phố với 127 doanh nghiệp khảo sát cho thấy hơn 69,99% doanh nghiệp mất 2 tháng để hoàn tất thủ tục pháp lý cho kinh doanh và hơn 70% cho biết thủ tục còn rườm rà ở các khâu. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội nhắc bộ trưởng trả lời bám sát câu hỏi
Về các hoạt động xuất nhập khẩu qua sàn thương mại điện tử đang phát triển, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đặt câu hỏi các chính sách ban hành thời gian qua và quản lý giao dịch thương mại điện tử với hàng xuất nhập khẩu thế nào?
Trả lời, Bộ trưởng Diên cho hay trong thương mại thông thường, quản lý đã khó nên quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử càng khó hơn nhiều. Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng, phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tham mưu chính sách quản lý thông tin giao dịch thương mại điện tử với hàng xuất nhập khẩu.
Trong đó yêu cầu công bố thông tin các website thương mại điện tử, chú trọng trách nhiệm cá nhân tổ chức cung cấp và bán hàng trên sàn thương mại điện tử; kết nối và chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành, địa phương; ban hành cơ chế giám sát hoạt động đầu tư nước ngoài, đưa thương mại điện tử là ngành nghề có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài…
Để tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập trên thương mại điện tử, ông Diên cho biết đã kiến nghị Chính phủ xem xét trong hoạt động hải quan, sẽ tách bạch hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử, bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa dưới 1 triệu đồng.
Chỉ ra thực trạng mạng xã hội xôn xao với livestream bán hàng doanh thu hàng trăm tỉ đồng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi thông tin này có đúng không và quản lý chất lượng sản phẩm trên các kênh này? Đặc biệt là giá bán trên kênh này thấp hơn nhiều giá bán buôn trực tiếp, cơ quan quản lý nhận định thế nào và hướng xử lý ra sao?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Diên cho biết để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt; thanh kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng…
Đánh giá hoạt động xuất khẩu ấn tượng thể hiện qua kết quả xuất siêu, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu thực trạng hàng hóa xuất nhập khẩu bị rào cản bởi các biện pháp phòng vệ thương mại, năng lực vận tải, logistics còn hạn chế, phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. Vậy các giải pháp để hỗ trợ hàng hóa xuất nhập khẩu thế nào?
Về việc này, ông Diên nhìn nhận hoạt động logistics còn hạn chế, triển khai không đồng bộ. Các quy định còn chồng chéo, hạ tầng thương mại và giao thông chưa đáp ứng. Tới đây bộ sẽ tiếp tục trình Chính phủ về chiến lược phát triển logistics, ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng, kết nối trong nước và quốc tế, gắn liền điều kiện địa lý mỗi vùng.
Về giải pháp khai thác hiệu quả FTA, ông Diên khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo nguồn hàng chất lượng cao, đa dạng hóa xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử, đàm phán và ký kết hiệp định mới để khai mở thị trường, cung cấp thông tin để doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, câu trả lời của bộ trưởng được Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở cần "bám sát câu hỏi của đại biểu".
4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác ở Việt Nam, mỗi tháng có 1 tỉ USD hàng nhập khẩu
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay trong thương mại điện tử Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn.
Cụ thể người tiêu dùng đối mặt với mất dữ liệu cá nhân, hàng giả, hàng kém chất lượng, đã, đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng cả doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng.
Thêm vào đó, theo bộ trưởng, thất thu thuế không thể không thừa nhận còn tỉ lệ đáng kể.
Ông nói về bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, đúng là có việc lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng, dù không được phổ biến. Thời gian qua bộ đã nhận diện rõ và tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật.
Trong đó, bổ sung nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn an ninh người tiêu dùng. Luật có hiệu lực từ 1-7-2024 và hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng trên.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời về việc bán hàng qua livestream
Bộ trưởng cũng thông tin thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt có Bộ Công an để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử. Đẩy mạnh truyền thông các quy định pháp luật. Yêu cầu tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh đó, yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng…
Ông nhấn mạnh đại biểu nói rất đúng về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua thương mại điện tử thâm nhập vào thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã thường xuyên khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và nghị định hướng dẫn triển khai đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, triển khai cơ chế trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng cả nước.
Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử.
Thời gian tới, bộ trưởng nêu rõ Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử.
Theo đó, tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.
Tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.
Theo quy định hiện hành, với hàng dưới 1 triệu đồng không bị áp thuế VAT, thuế nhập khẩu. Qua theo dõi, có 4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác ở Việt Nam, mỗi tháng có 1 tỉ USD hàng nhập khẩu. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng thuế lớn thất thoát nếu không điều chỉnh quy định.
Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.
Về chống thất thu thuế, bộ trưởng nói qua thương mại điện tử đã giao dịch số tiền rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỉ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này năm 2023 là gần 100.000 tỉ đồng, tăng gần 16,1% so với 2022. Tuy nhiên, còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Ông nói theo quy định, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý trong lĩnh vực thuế, nên bộ đã tích cực phối hợp với ngành thuế, Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website, gần 300 ứng dụng sàn thương mại điện tử để rà soát, tăng cường quản lý thuế.
Thời gian tới bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ quản lý thuế và hải quan. Khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6-2024.
Tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.
Bộ trưởng cho biết để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trả lời câu hỏi về lo ngại lợi dụng biện pháp công khai danh sách các website bị phản ánh có dấu hiệu vi phạm, có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, bộ trưởng cho biết bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể.
Trong đó, chỉ công khai các website có trên 5 ý kiến phản ánh kèm theo thông tin đầy đủ về người phản ánh. Yêu cầu các website bị phản ánh phải giải trình, xác minh rõ nội dung phản ánh mới đăng tải công khai danh sách trên cổng. Như vậy sẽ hạn chế tối đa đối thủ lợi dụng nói xấu nhau.
Thời gian tới, bộ trưởng cho biết sẽ thực hiện nhiều giải pháp như đẩy mạnh xử lý khiếu nại của người tiêu dùng trực tuyến, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra…
Đại biểu hỏi livestream thu cả trăm tỉ quản lý thế nào, bộ trưởng nói vi phạm sẽ chuyển hồ sơ
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chỉ ra thực tế hiện nay các đơn hàng thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử, được chuyển qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển, mở đơn hàng. Trong khi đó chế tài xử lý với sàn thương mại điện tử chưa có.
Đặc biệt là những người kinh doanh livestream ở thành phố lớn, hàng hóa để ở áp sát biên giới, khi được thông quan, vận chuyển qua chuyển phát nhanh. Vậy vướng quy định Luật Bưu chính viễn thông kiểm tra hàng hóa là không bắt buộc, nên việc xử lý gặp khó khăn.
"Việc xử lý không chỉ của ngành công thương mà còn các bên, vì đơn vị sở hữu nền tảng đó, thậm chí còn ở nước ngoài, nên giải pháp thế nào để khắc phục triệt để tình trạng này, tôi mong muốn bộ trưởng cho biết thêm?" - ông Hạ nói.
Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhắc lại câu hỏi về việc livestream bán hàng trên mạng xã hội, TikTok, doanh thu bán hàng lên tới hàng trăm tỉ đồng. Vậy làm thế nào để quản lý chất lượng và đảm bảo quyền lợi khách hàng? Giá bán qua livestream đang rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý, gây hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả.
"Giải pháp nêu ra là xóa trang này, nhưng có thể lập trang mới lại rất dễ dàng. Chúng ta cứ đuổi theo như vậy thì làm sao giải quyết được dứt điểm vấn đề. Nếu ta đi không đúng hướng thì cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo ma hồn trận rất khó khăn mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu. Vậy với livestream vừa rồi bộ có biết không, nhận định đó là thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi thế nào, có kinh nghiệm quốc tế gì và bộ đã tham khảo chưa?" - ông Nghĩa nói.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên
Trả lời những câu hỏi tranh luận, Bộ trưởng Diên cho hay hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, quản lý livestream là thực sự khó khăn. Để quản lý được không chỉ là trách nhiệm ngành công thương mà còn nhiều ngành như thông tin truyền thông, tài chính…
Giải pháp tốt nhất là có sự phối hợp giữa các bộ ngành và Bộ Công Thương chủ trì phối hợp, lực lượng quản lý thị trường đấu tranh và làm rõ hành vi sai phạm, tìm các địa điểm đối tượng này tập kết hàng hóa, giao dịch, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan chức năng, chống thất thu thuế. Hoạt động này biến hóa khôn lường, nên quy định pháp luật cần tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp vì đây là lĩnh vực mới.
Thương mại điện tử của ta phát triển rất mạnh, quy mô thương mại 21 tỉ USD, nên trong tương lai phát triển mạnh nữa và cơ chế chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện.
Cùng đó cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị. Vì mua bán giao dịch cuối cùng cũng không thể loại được lưới trời, vai trò quản lý của chính quyền địa phương xem xét xử lý ban đầu và sự theo dõi của người dân. Nếu chứng minh được vi phạm pháp luật sẽ xóa vĩnh viễn trang này.
Với câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, với những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan chức năng xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Để quản lý hoạt động livestream, sẽ phải phối kết hợp lực lượng chức năng, rà soát quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông, người tiêu dùng nhận thức và tránh hiện tượng như vậy.
Cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp, bộ trưởng khẳng định không bao che
Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) yêu cầu đánh giá kết quả triển khai chính sách hỗ trợ công nghiệp và cơ khí, làm rõ tình trạng báo chí phản ánh cán bộ của Bộ Công Thương nhũng nhiễu doanh nghiệp trong việc xem xét hồ sơ xin hưởng ưu đãi. "Bộ trưởng cho biết phản ánh trên có đúng không và quan điểm của bộ trưởng thế nào?" - ông An nói.
Trả lời, Bộ trưởng Diên cho biết công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, bộ đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định và triển khai thực hiện các giải pháp đạt kết quả nhất định. Lĩnh vực chế biến chế tạo, công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ đã trở thành vai trò đầu tàu, tỉ lệ nội địa hóa nhiều ngành dệt may và da giày được nâng cao, đạt tới 50%, cơ khí đạt tới hơn 30%.
Công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao trình độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng của tập đoàn đa quốc gia, góp phần thu hút được tập đoàn lớn của thế giới, hình thành các trung tâm R&D tại Việt Nam. Nhiều dây chuyền và thiết bị trong máy nông nghiệp cũng được sản xuất, cung ứng linh kiện cho sản xuất ô tô…
Tuy nhiên, ông nhìn nhận triển khai chính sách ưu đãi còn hạn chế. Nguồn lực ưu đãi của trung ương và địa phương còn ít và chồng chéo, khó tiếp cận, điều kiện hưởng ưu đãi còn ngặt nghèo, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Chính sách thu hút FDI chưa ràng buộc và khuyến khích doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp Việt cũng chưa quan tâm và tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực này, khi đây là lĩnh vực yêu cầu nhiều nguồn vốn, kinh nghiệm. Việc phổ biến tuyên truyền chính sách còn hạn chế, ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí khó thu hút đầu tư, tỉ suất lợi nhuận thấp, rào cản còn khó khăn.
"Dung lượng thị trường của Việt Nam không lớn nhưng để doanh nghiệp vươn ra nước ngoài là thách thức nên còn rất hạn chế. Vì vậy bộ tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách, nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, gồm các ngành cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng… là nền tảng ngành công nghiệp Việt Nam, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa" - ông Diên nói.
Với xử lý thông tin cán bộ nhũng nhiễu, ông Diên cho biết bộ đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, xác định ưu đãi thực hiện đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong chỉ đạo điều hành, rất quyết liệt trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng bộ máy hoạt động liêm chính, hiệu quả. Đến nay 99% thủ tục hành chính được Bộ Công Thương áp dụng mạng toàn trình cấp độ 4.
"Với thông tin báo chí nêu, bộ đã và đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan, cụ thể là Cục Công nghiệp và cá nhân đang có quá trình kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm. Chúng tôi cam kết không bao che các đối tượng vi phạm" - ông Diên khẳng định.
Hàng gian, hàng giả mà quy trách nhiệm chung cho người đứng đầu rất khó
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giải pháp nếu người đứng đầu, lãnh đạo quản lý, công chức trực tiếp quản lý trên địa bàn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây bức xúc cho nhân dân.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như hiện nay và "vì lợi nhuận thì người ta làm thôi".
Về trách nhiệm, theo bộ trưởng, phải được quy cho từng cơ quan chức năng, tổ chức có chức năng. Nếu quy định trách nhiệm cho người đứng đầu, theo ông Diên, chúng ta hiểu khái niệm người đứng đầu ở đây là người đứng đầu địa phương, người đứng đầu ngành hay đứng đầu cơ quan.
"Nếu như chúng ta quy trách nhiệm người đứng đầu ngành, địa phương, cơ quan, việc này cũng là một yêu cầu cần thiết. Còn nếu dồn trách nhiệm cho một người cũng phải tính.
Bởi còn tùy thuộc sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, tổ chức mới có thể áp dụng biện pháp, chế tài theo quy định của pháp luật. Còn nếu dồn trách nhiệm như vậy cũng chưa thật đầy đủ", ông Diên nói.
Trong tương lai, theo bộ trưởng, cũng sẽ nghiên cứu cùng các cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Chính phủ về việc có quy định như thế nào.
Còn trong thực tế, theo bộ trưởng, có rất nhiều việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu, nhưng đó là việc người đứng đầu có thể kiểm soát được.
Còn tình trạng sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà quy trách nhiệm cho 'một khái niệm người đứng đầu chung chung rất khó'.
"Còn nếu quy trách nhiệm cho người đứng đầu một đơn vị chức năng cụ thể, một công việc cụ thể có thể được, nhưng cũng rất cần có thời gian nghiên cứu.
Chúng ta ngồi đây có rất nhiều người đang là người đứng đầu, nếu quy định như thế chắc chắn không dễ gì thực hiện", bộ trưởng nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận