20/11/2013 18:18 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: "tăng cước 3G là hoàn toàn hợp lý"

T.MAI -C.MAI
T.MAI -C.MAI

TTO - Chiều 20-11, trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đưa ra nhiều lý do để minh chứng cho việc tăng cước 3G vừa qua là hợp lý.

eKO3kuOw.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đặt vấn đề: thời gian qua người dân quan tâm đến việc tăng giá cước 3G, nhiều người cho rằng tăng nhưng chất lượng dịch vụ lại giảm, theo bộ trưởng việc tăng như vậy có hợp lý không?

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son lý giải: việc điều chỉnh cước 3G trong thời gian qua đã tạo nên sức nóng, dư luận rất quan tâm. Thị trường viễn thông Việt Nam phát triển rất mạnh trong thời gian qua. Có thể nói từ khi phát triển thị trường viễn thông ở nước ta đến nay, giá cước hầu như không tăng mà theo thống kê hằng năm, thậm chí còn giảm.

Về cơ bản, OTT được bên thứ ba (nhà cung cấp dịch vụ) cung cấp trực tiếp đến người dùng cuối các dịch vụ như thoại, tin nhắn (Viber, Zalo), hình ảnh, video (YouTube, Netflix), dữ liệu... trên nền mạng Internet không thông qua các nhà mạng cung cấp hạ tầng viễn thông.

Thời gian qua, chúng ta có tăng giá cước viễn thông, có thể nói đây là chủ trương chung của Nhà nước dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, và phù hợp với quy định hiện hành, phù hợp với các thông tư, nghị định và cam kết quốc tế của Việt Nam, vì vậy chúng ta không thể bán dưới giá thành.

Lúc mới ra đời, các nhà mạng giảm giá cước 3G để thu hút chủ thuê bao, sau đó tăng giá dần lên. Nhưng chúng ta giảm giá quá lâu, từ khi ra đời từ năm 2009 đến nay, chúng ta chưa hề tăng giá.

Vừa qua Chính phủ có ký quy định số 32, quy hoạch lại thị trường viễn thông đến năm 2020, yêu cầu chúng ta từng bước nâng giá viễn thông để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Và trong luật cạnh tranh, các nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành. Vì vậy đây là đợt điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian vừa qua, giá của chúng ta đã thấp hơn giá thế giới nhiều lần. Đợt nâng giá vừa qua cũng chưa tới giá thành. Chúng ta cũng chỉ nâng gói cước 3G data (vùng truyền số liệu và Internet), còn cước 3G thoại vẫn giữ nguyên, chưa tăng. Trong gói cước thì có gói tăng, gói giảm.

Như vậy có thể nói việc tăng gói cước 3G là việc làm bình thường trong cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Hầu hết các nhà mạng đều trực thuộc nhà nước, việc tăng gói cước 3G có thể nói cũng góp phần đóng góp cho Nhà nước. Các doanh nghiệp viễn thông cũng đóng góp nhiều cho đất nước. Năm 2012, VNPT đóng góp khoảng 7.300 tỷ, Viettel đóng góp 11.300 tỷ cho đất nước.

Trao đổi lại vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn lại bộ trưởng việc tăng giá cước 3G có phải là để bù đắp cho việc giảm doanh thu của dịch vụ OTT hay không? "Bản thân tôi cũng dùng dịch vụ 3G nhưng tôi thấy chất lượng giảm sút, xin bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?" - bà Hải nhấn mạnh.

tcFqPDp1.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Ảnh: Việt Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải trình: Việc tăng giá cước không chỉ bù đắp cho đầu tư hạ tầng mạng mà còn nâng chất lượng 3G. Thực tế cũng có 1 phần bù đắp cho OTT nhưng không phải hoàn toàn vì lý do này mà tăng cước. Đúng là chất lượng 3G hiện nay chưa cao. Thời gian qua chúng ta đã đầu tư cho thiết bị dịch vụ 3G tới 2 tỷ USD nhưng chất lượng cũng chưa được như ý. Sắp tới chúng ta sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ cả 2G lẫn 3G.

Đại biểu Nguyển Thanh Hải cũng đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ đến bao giờ thì Việt Nam sẽ đưa vào sử dụng mạng viễn thông 4G? Trong khi Thái Lan mới chỉ áp dụng mạng 3G tháng 3-2013 nhưng đã có kế hoạch áp dụng 4G vào năm 2015. Vấn đề này, Bộ trưởng Bắc Son cho biết: 4G là công nghệ mới nhưng thực tế hiện nay mới chỉ là "tiền 4G" chứ chưa phải là 4G thực sự.

Việt Nam cũng đã có nghiên cứu để có thể từng bước đưa công nghệ này vào sử dụng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì các nhà mạnh mới đầu tư hệ thống 3G hơn 2 tỉ USD, mới sử dụng và chưa thu hồi vốn bao nhiêu nên cũng cần có sự tính toán. Hiện Bộ đã cấp phép cho một số đơn vị thí điểm nghiên cứu, áp dụng công nghệ 4G nhưng lộ trình có thể đến năm 2015 mới có thể đưa vào sử dụng dịch vụ 4G.

Đã có chỉ thị để quản lý sim rác

Đại biểu Trần Quốc Tuấn chất vấn bộ trưởng về vấn đề sim rác. "Hiện nay người dân chỉ cần bỏ ra từ 20.000 đến 50.000 đồng là có thể mua được sim điện thoại. Sim rác được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, cũng khi được dùng để đe dọa người khác, cấu thành tội phạm. Có nhiều thông tư để quản lý nhưng sim rác vẫ tồn tại. Bộ trưởng cho biết đến khi nào thì thị trường không còn bày bán sim rác tràn lan?".

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói có 3 nguồn tin nhắn rác: từ mạng Internet thông qua nhà mạng gọi đến các thuê bao; Từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung nhắn tin để quảng cáo, điều này đem lại siêu lợi nhuận; Tin nhắn từ sim rác, sim không đăng ký thông tin cá nhân.

Thời gian qua, chúng tôi cùng các nhà mạng đã ngăn chặn được tin nhắn rác qua điện thoại di dộng, qua Internet. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, chúng ta đã có các chế tài, trong nghị định 72 cũng đã nêu rõ những nhà cung cấp dịch vụ nội dung này phải chấp hành theo quy định của pháp luật, không được nhắn tin quảng cáo bừa bãi.

Chúng tôi đã có thông tư và có đợt thanh tra tổng lực chấn chỉnh hoạt động này. Đã có chỉ thị 04 quản lý thuê bao trả trước. Trong chỉ thị ghi rất rõ, khi các nhà mạng bán sim cho cá nhân đều phải kê khai danh tính. Ở nước ngoài họ quản lý điều này rất rõ ràng, khách hàng phải hai báo thông tin cá nhân khi mua sim và họ có hạ tầng để kiểm tra. Chúng tôi cũng đã yêu câu phải kê khai thông tin cá nhân khi mua sim của các nhà mạng nhưng thực tế hiện nay các đại lý bán sim cho nhà mạng cũng đã lách luật.

Thời gian tới đề nghị các cấp chính quyền, cá nhân cùng chúng tôi tham gia trong việc này. Đặc biệt các nhà mạng phải kiên quyết thực hiện rõ chỉ thị 04 trong quản lý sim rác.

Xử lý nghiêm mạng "lá cải", đơn vị từ chối cung cấp thông tin báo chí

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đặt vấn đề hiện nay có tình trạng quá nhiều trang mạng theo xu hướng "lá cải", mô tả chi tiết những câu chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục, mô tả tỉ mỉ tội ác, vụ án để thu hút lượng người đọc. Nhiều cơ quan báo chí đã kiến nghị xử lý các trang mạng vi phạm nhưng hiện nay tình trạng này vẫn không giảm bao nhiêu. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông trong việc quản lý ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói trách nhiệm quản lý các trang tin đó thuộc nhiều ngành. Riêng trong trách nhiệm của Bộ thì Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trang tin vi phạm như áp dụng chế tài xử phạt, thu hồi giấy phép. Bộ trưởng cũng nói các cơ quan quản lý báo điện tử, trang mạng cũng cần phải tăng cường hơn nữa trong việc kiểm tra, định hướng báo đi đúng tôn chỉ, mục đích.

Nhiều đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng về thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí hiện nay được thực hiện chưa nghiêm túc. Nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng báo chí chính thống chưa đăng tải trong khi các trang mạng, trang cá nhân đã đăng khiến dư luận bàn tán. Thêm vào đó, việc thông tin của các trang mạng đôi khi không đúng sự thật để lại hậu quả rất tai hại trong khi báo chí chính thống lại quá chậm thông tin.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bắc Son giải thích do cơ quan báo chí cần thực hiện đúng quy chế phát ngôn, kiểm chứng nguồn tin nên thông tin đôi lúc chậm hơn các trang mạng. Bộ trưởng cũng xác nhận đúng là hiện nay có tình trạng nhiều cơ quan chưa thực hiện đúng nguyên tắc phát ngôn, quy chế cung cấp thông tin cho báo chí theo quyết định 25. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan cần thực hiện nghiêm túc quyết định 25, đảm bảo cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, đầy đủ.

Theo Bộ trưởng, khi cung cấp thông tin chính thức, nếu thấy các trang mạng trước đó có thông tin sai thì các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phải thông qua các báo chính thống để nói lại các thông tin sai đó, tránh tình trạng thông tin sai tiếp tục được lan truyền do nhiều trang khác dẫn lại.

Về vấn đề không thực hiện đúng quy chế cung cấp thông tin trên, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị Bộ trưởng nêu rõ các hình thức chế tài đối với cơ quan vi phạm.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần làm tốt vai trò thông tin, định hướng của mình. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin mà còn phải tạo được niềm tin cho người đọc. Khi báo chí làm tốt vai trò thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, chính xác, đảm bảo không sa đà vào việc mô tả chi tiết, tỉ mỉ các hành vi bạo lực, xâm phạm đức, thuần phong mỹ tục thì sẽ đẩy lùi các thông tin, dư luận sai sự thật về các sự kiện xã hội. Theo Bộ trưởng. "lúa tốt sẽ không còn cỏ dại".

X4HGbQga.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son về quản lý việc "xã hội hóa" mạng lưới phát thanh truyền hình, xử lý ra sao việc "bán kênh" của một số nhà đài. Theo ông Nguyễn Bắc Son, xu hướng "xã hội hóa" là cần thiết nhưng việc giao cho các đơn vị tư nhân thực hiện chỉ ở khâu truyền dẫn sóng phát thanh, truyền hình. Các nhà đài có thể liên kết với đơn vị khác trong phát sóng còn khâu sản xuất chương trình, nội dung chương trình thì nhà đài hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

T.MAI -C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên