Chu thich: Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar (phải) dự kiến có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khi đến thăm hòn đảo cuối tuần này - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Reuters, nếu không có gì trở ngại, ông Azar sẽ trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979 - thời điểm Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chuyển sang công nhận Trung Quốc.
"Lằn ranh đỏ" là gì?
Có khá nhiều câu hỏi đặt ra cho động thái của Washington như Mỹ đang muốn gì, vì sao lại vào thời điểm này và tại sao lại là một bộ trưởng y tế mà không phải người khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tiếp tục lặp lại các phản đối đã có từ trước tới nay, ông cảnh báo sẽ có các biện pháp đối phó nhưng không nêu rõ. Nhân Dân Nhật Báo chỉ dành một "diện tích" khá khiêm tốn trên báo giấy số ra ngày 6-8, trong đó kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và chỉ trích Đài Bắc.
Vấn đề Đài Loan kế đó được nhắc đến trong cuộc điện đàm dài 1 giờ 30 phút của bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung tối 6-8. Mặc dù tiếp tục có sự khác biệt và đổ lỗi cho bên còn lại là người gây hấn trước, cả ông Mark Esper và ông Ngụy Phượng Hòa đều khẳng định tầm quan trọng của việc tránh xung đột từ các rủi ro trên biển.
"Hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc mở và phát triển các hệ thống cần thiết cho việc liên lạc trong khủng hoảng và giảm thiểu rủi ro", thông cáo Lầu Năm Góc nêu rõ.
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã xác định Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, nhấn mạnh Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và cảnh báo sẽ đáp trả mạnh nếu Washington bước qua "lằn ranh đỏ". Nhưng giới hạn cuối cùng của Trung Quốc trong vấn đề này là gì lại không rõ ràng, theo Bloomberg.
Tính toán của Mỹ
Quan hệ không chính thức giữa Mỹ và Đài Loan trong hơn 40 năm qua chủ yếu dựa trên "Đạo luật quan hệ với Đài Loan" năm 1979, trong đó Washington sẽ giúp Đài Bắc duy trì năng lực quân sự đủ mạnh để phòng thủ trước biến cố bất ngờ. Nhưng khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, ông đã đặt bút ký hai đạo luật tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Azar không nằm ngoài khuôn khổ hai đạo luật năm 2018 và 2019. Về mặt chính thức, các thông báo của Mỹ đều nhấn mạnh chuyến đi lần này là để tăng cường hợp tác Mỹ - Đài trong đối phó đại dịch và không nhắc gì đến Trung Quốc.
Viết trên Twitter cá nhân ngày 5-8, ông Azar cho biết chuyến đi thể hiện sự ủng hộ của Mỹ trước những gì Đài Loan đã làm được trong đại dịch, một lý do được cho là hợp lý.
Việc chọn ông Azar - một bộ trưởng y tế - cũng cho thấy Mỹ muốn giữ căng thẳng với Trung Quốc ở mức có thể kiểm soát. Washington có thể sẽ cử những người như ngoại trưởng hay bộ trưởng tài chính (trên cả bộ trưởng quốc phòng trong thứ tự kế vị) vào những thời điểm khác nếu muốn chuyển một thông điệp mạnh mẽ hơn tới Bắc Kinh.
Mỹ bán 4 trinh sát cơ cho Đài Loan?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-8 đã lên tiếng kêu gọi Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, sau khi có thông tin Đài Bắc đang chuẩn bị mua 4 trinh sát cơ không người lái Sea Guardian của Mỹ.
Ít nhất 6 nguồn thạo tin của Reuters cho biết Washington đã gửi báo giá tới Đài Bắc hồi tuần trước. Tầm hoạt động của các UAV Sea Guardian lên tới 11.000km nhưng do dùng vào nhiệm vụ trinh sát nên không có giá treo tên lửa như bản gốc MQ-9 Reaper.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận