Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: CTV
Ông Mai tiến Dũng nhận định dù còn nhiều việc phải làm để cải cách đất nước, đặc biệt là cải cách kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của người dân, DN, nhưng với nhiều chỉ số kinh tế - xã hội ấn tượng, năm 2017 là năm thành công trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bắn trúng đích chứ không cưỡi ngựa xem hoa
* Ông là người đứng đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi giao nhiệm vụ cho Tổ, Thủ tướng có lưu ý phải "bắn trúng đích chứ không bắn chỉ thiên", theo ông Tổ công tác đã đáp ứng được yêu cầu này chưa?
- Tôi nghĩ hoạt động của Tổ công tác đã từng bước đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng. Việc rà soát, kiểm tra nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương được chúng tôi tiến hành bài bản, không cưỡi ngựa xem hoa, không làm cho có.
Các cuộc làm việc đều được chuẩn bị kỹ, có mục tiêu cho từng giai đoạn, thời kỳ, bám sát các chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Thủ tướng và Chính phủ. Ví dụ, thời gian Tổ công tác mới được thành lập, cũng là mở đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới, chúng tôi tập trung rà soát thể chế để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, pháp luật.
Khi rà soát, hoàn thiện tương đối ổn rồi, không còn tình trạng nợ đọng văn bản nữa, chúng tôi tập trung theo dõi quá trình thực hiện pháp luật. Trong năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo tập trung các giải pháp cho tăng trưởng kinh tế, Tổ công tác giúp Thủ tướng đi thực tế các tập đoàn, địa phương, tháo gỡ từng vấn đề cụ thể.
Đặc biệt, khi Chính phủ có nghị quyết về cắt giảm chi phí không chính thức, thủ tục hành chính, rào cản trong kiểm tra chuyên ngành, Tổ công tác đã xuống thực tế ở hải quan Hải Phòng, khu vực 3 của TP.HCM, đến các bộ ngành liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành để trao đổi, rà soát, yêu cầu thực hiện nghiêm.
Trong 41 lần kiểm tra, có 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành, qua đó có thể nói đã bắn đúng chỗ, đi đúng đường. Trước khi đi kiểm tra chúng tôi phải nghiên cứu từng nội dung cụ thể, vì nếu kiểm tra không hiểu, nói sai người ta cười cho.
Thủ tướng rất công khai, minh bạch, có báo chí và cộng đồng DN đi cùng, nếu Tổ công tác nói sai, kiểm tra sai thì không được. Còn đã kiểm tra đúng thì yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.
Tất nhiên, so với mong muốn thì kết quả vẫn còn chừng mực. Thời gian làm việc của Tổ công tác mới chỉ hơn 1 năm, chúng tôi cũng tự hài lòng. Ngay cả công việc ở Văn phòng Chính phủ mà tôi là người đứng đầu, cái gì, chỗ nào làm chưa tốt, được Tổ công tác phát hiện, góp ý thì tôi cũng nhận trách nhiệm, kiên quyết chấn chỉnh.
* Trước Quốc hội, Thủ tướng từng nói Chính phủ kiến tạo là phải thay ngay những cán bộ giao việc không chịu làm, không làm được. Bộ trưởng cũng từng nói để công việc chạy nhanh thì cứ thay người. Vậy ông đã từng kiến nghị hoặc yêu cầu chế tài, thay người làm việc chưa?
Thực tế hiện nay chế tài xử lý những trường hợp như vậy còn thiếu. Chúng ta thường nói đến những tồn tại như DNNN thoái vốn chậm, địa phương có tình trạng mất đoàn kết, cơ quan, đơn vị để nhiệm vụ quá hạn…, đều là những tồn tại, yếu kém có trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhưng để làm rõ những lỗi đó do khách quan, chủ quan đến đâu thì không dễ. Có những việc trong tầm tay nhưng anh em đánh võng không chịu làm rồi đổ cho lỗi khách quan. Vì vậy, trước hết nhắc nhở anh em, nếu vẫn không làm được thì bắt buộc điều chuyển.
Vừa qua tôi cũng đã sắp xếp, điều chuyển một số cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc ở Văn phòng Chính phủ để làm gương, làm mẫu, trên tinh thần rất công tâm, sau khi kiểm tra đánh giá xong thì họp lãnh đạo và quyết định luôn, công khai.
Nếu Thủ tướng nói xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Văn phòng không chuyển động, không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng thì không còn là văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa. Không cẩn thận thì tham mưu lại thành rào cản là không được.
Hiện phần lớn cán bộ Văn phòng Chính phủ làm việc rất tự giác, nhiều hôm đến 21-22h mà điện vẫn còn sáng, ngày nghỉ hầu như các vụ đều làm việc.
Động cơ không tốt thì không phải là văn hoá
* Thưa ông, cứ mỗi dịp "tết dương, tết âm" câu chuyện quà biếu lại trở thành mối quan tâm của dư luận, đặc biệt là với DN. Ông suy nghĩ thế nào về "văn hoá quà Tết" tồn tại như một thông lệ khó bỏ?
Văn hoá quà Tết là tốt đẹp chứ không có gì xấu. Tết đến xuân về gặp nhau vui vẻ mời nhau chén rượu, con cái tặng quà bố mẹ, cháu chắt tặng quà ông bà, cô chú, bác, người lớn mừng tuổi cho trẻ con, trò đến thăm thầy, những người giúp mình trưởng thành, đó là đạo lý.
Tuy nhiên, thực tiễn xã hội không hoàn toàn nghĩa tốt như thế, mà có tình trạng bị lạm dụng, lợi dụng, biến văn hoá trở thành vấn đề tiêu cực.
Tư tưởng của Thủ tướng là ngay từ Tết nguyên đán 2017 đã nghiêm cấm các bộ, ngành, địa phương lên Hà Nội chúc Tết, lãnh đạo không được nhận quà Tết, nhằm chống việc lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội, động cơ không tốt.
Vừa qua Thủ tướng cũng chỉ đạo chấn chỉnh, nghiêm cấm nhận xe biếu của DN hay cấp biển xanh cho xe DN không đúng đối tượng. Ngay cả việc cấm cán bộ đi lễ hội trong giờ hành chính, đi xe công, cấm uống rượu... đã thành trào lưu tốt.
Tết năm nay, Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ tiếp tục xây dựng để ban hành sớm các chỉ thị liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cấm đốt pháo, sử dụng phương tiện công phục vụ tư, dự lễ hội, cấm tặng quà tết cho cấp trên...
Thủ tướng cũng hết sức quan tâm đến chế độ chính sách cho người có công với cách mạng, đối tượng cơ nhỡ, cô đơn, gia đình nghèo. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng của mình quan tâm đến đối tượng đặc biệt, để Tết đến mọi nhà mọi người.
* Nếu coi quà Tết là văn hoá, đạo nghĩa, thì dịp Tết đến bộ trưởng sẽ tặng quà cho ai?
Tôi thấy Nhật Bản có văn hoá tặng quà rất hay, có thể chỉ là cái quạt giấy, giá trị vật chất không nhiều nhưng ý nghĩa văn hoá sâu xa. Chúng ta cũng có văn hoá tốt đẹp của mình, lựa chọn món quà phù hợp với người được tặng, biểu hiện thái độ, tình cảm, chứ không cứ phải là những món quà giá trị cao. Chẳng hạn lâu nay trong Tết nguyên đán chúng ta thường tặng nhau câu đối, bức tranh, cặp bánh trưng, chiếc giò lụa, lì xì cho trẻ con…
Tết đến tôi rất cảm ơn những cộng sự của mình, không chỉ là lãnh đạo cấp cao mà còn là anh em cấp dưới, cả những người lao công, bảo vệ, người ta làm tốt cũng chính là giúp mình hoàn thành công việc.
Ngay cả thầy cô, bạn làm cùng, báo chí cung cấp đầy đủ thông tin, nhanh, kịp thời, cũng rất quan trọng.
Lời cảm ơn cũng là món quà chứ không phải chỉ vật chất mới là quà. Văn hoá Việt thì không gì bằng lời nói. Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, đây mới là quan trọng.
Nhưng quà gì thì cũng phải từ tấm lòng, từ tri ân, để chúng ta đánh giá sự cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của những người xung quanh.
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: CTV
Minh bạch, rõ ràng mới chống được hối lộ
* Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng kêu gọi DN không đưa hối lộ chính quyền. Nhưng nếu chỉ nhìn từ phía DN thì rất khó, nếu cán bộ, công chức không hưởng ứng chủ trương này. Theo bộ trưởng, phải làm thế nào để lời kêu gọi của Thủ tướng thành hiện thực?
Đúng là phải từ nhiều phía, nhưng trước hết với một Chính phủ liêm chính, đương nhiên là phải hoàn thiện thể chế. Ví dụ vấn đề phân cấp, phân quyền, xử lý minh bạch, công khai nếu làm tốt, không có rào cản, cứ làm đúng thủ tục, thời gian quy định cho DN, người dân thì họ không phải nhờ vả, cạy cục nữa.
Tôi nghĩ ý Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi rất sâu sắc. Những DN mà ý tứ như thế, chủ động đi hối lộ thì đều có chuyện lợi dụng và tranh thủ. Đó là những quan hệ không lành mạnh, muốn dùng quà cáp, tiền bạc để giải quyết những vấn đề ngoài pháp luật, né pháp luật hoặc có lợi cho mình.
Nhưng cơ bản nhất là chúng ta phải xây dựng một thể chế quy định, chế tài xử lý. Trong 19 điều cấm Đảng viên không được làm cũng đã rõ, nhưng trong thực tế cuộc sống còn có tác động nhiều phía, cả phía nhận và phía đưa.
Muốn không có việc hối lộ thì chúng ta phải giải quyết thủ tục minh bạch, rõ ràng, chất lượng và trách nhiệm.
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận