23/12/2020 18:00 GMT+7

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Hệ thống một cửa giúp tham nhũng vặt giảm đi'

N.AN
N.AN

TTO - Dù đã triển khai hệ thống một cửa, liên thông một cửa mang lại hiệu quả, vẫn còn trường hợp người dân phải nộp hồ sơ giấy, tỉ lệ điện tử hóa thấp. Vì vậy, việc triển khai thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông là cần thiết.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hệ thống một cửa giúp tham nhũng vặt giảm đi - Ảnh 1.

Đề án thí điểm cơ chế một cửa, một cửa liên thông dự kiến triển khai trong thời gian tới - Ảnh: N.AN

Chiều 23-12, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp về đề án Thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (thời gian thí điểm đến tháng 6-2023, hoàn thành đề án năm 2024).

Theo bộ trưởng, đến nay 100% các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kiện toàn bộ phận một cửa để giải quyết thủ tục hành chính, trong đó 59/63 địa phương thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Nhiều địa phương làm tốt như Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp…

"Một cửa, một cửa liên thông là giải pháp rất hữu hiệu, sau một thời gian không dài đã tạo chuyển biến cơ bản, điều chỉnh một bước lề lối làm việc, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức, tham nhũng vặt giảm đi rất nhiều" - ông Dũng cho hay. 

Tuy vậy, không phải địa phương nào, cơ quan nào cũng làm được như vậy. Vướng mắc bất cập hiện nay là thẩm quyền của bộ phận một cửa, một cửa liên thông không rõ ràng. Những địa phương quan tâm thì cử cán bộ trách nhiệm rất tốt, những địa phương không quan tâm thì cán bộ ở đó không có đủ thẩm quyền, không có đủ năng lực, thủ tục hành chính không thể tốt được. 

Đặc biệt, có trường hợp người dân vẫn phải nộp hồ sơ giấy. Theo thống kê, số hồ sơ giấy chiếm tới hơn 94%. Chỉ có gần 6% lượt nộp hồ sơ điện tử. Hồ sơ giấy không có giá trị khai thác để sử dụng lại, điều này gây khó khăn cho người dân, đồng thời tạo ra áp lực đối với cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa. 

"Nói là một cửa, một cửa liên thông nhưng vẫn nhiều dấu, bị cát cứ ở từng khúc. Chẳng hạn, thủ tục hành chính của một địa phương nhưng giữa các sở lại không có sự liên thông. Đây là tồn tại rất lớn" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét. Ông cho rằng nếu thực sự có đổi mới, áp dụng một cửa liên thông trong cả nước thì sẽ có lợi cho người dân, và giảm chi phí. 

Theo đề án thí điểm dự kiến trình Thủ tướng vào quý 1-2021, các nội dung đổi mới sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

100% cá nhân, tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, cổng dịch vụ công được cấp tài khoản và kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử. 

Thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức sẽ được giảm theo lộ trình hàng năm. Cụ thể: năm 2021 tối đa là 30 phút/trường hợp. Đến 2023 tối đa còn 15 phút/trường hợp. 

Dự kiến chọn 10 địa phương để làm thí điểm, kết thúc thí điểm dự kiến tháng 6-2023. Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền có thể tiết kiệm khi thực hiện các phương án đổi mới vào khoảng 8.800 tỉ đồng.

Khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử Khai trương Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử

TTO - Sáng 29-11, Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử, tại địa chỉ: http://egov.mic.gov.vn đã được Bộ Thông tin và truyền thông khai trương. Từ nay, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân có thêm một kênh để kết nối và hỗ trợ.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên