Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tạm dừng sáp nhập
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết trong phiên họp thường kỳ Chính phủ đầu tháng 12, Thủ tướng Chính phủ kết luận vẫn áp dụng theo hai nghị định cũ (nghị định 24/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương và nghị định 37/2014 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), chừng nào có nghị định mới thay thế thì tiếp tục thực hiện hợp nhất, sáp nhập.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 5-12 Bộ Nội vụ đã chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định thay thế 2 nghị định nêu trên, tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin thêm tại kỳ họp thường kỳ Chính phủ tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết thông báo chính thức về vấn đề này.
"Vì vậy, kỳ họp HĐND các địa phương đợt này sẽ dừng việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh, và thực hiện theo nghị định 24/2014, và 37/2014, chưa thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính" – bộ trưởng Tân nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết 18 về một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; và Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 34 (tháng 8-2018) về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18. Vì thế, nhiều địa phương đã căn cứ vào nghị quyết của trung ương để thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Dự thảo 2 nghị định sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến
"Dự thảo hai nghị định mới thay thế Nghị định 24/2014 và 37/2014 đang xin ý kiến Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị cho chủ trương thì Thủ tướng sẽ ký, ban hành nghị định mới về tổ chức cơ quan chuyên môn, cấp tỉnh, cấp huyện" – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.
Dự kiến, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến với 2 dự thảo nghị định nêu trên về 3 vấn đề: thứ nhất là khung số lượng các sở ngành sau sáp nhập là bao nhiêu, thứ hai là tiêu chuẩn thành lập sở, ngành mới, thứ 3 là số lượng cấp phó và biên chế tối đa tại mỗi sở, ngành.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, trên cả nước hiện có 2 địa phương tiến hành sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đó là tỉnh Lào Cai thực hiện hợp nhất Sở GTVT và Sở XD thành Sở GTVT – XD, vào tháng 6-2018.
Tiếp đó, vào tháng 11, tỉnh Bạc Liêu hợp nhất Sở TT-TT với Sở VH-TT-DL thành Sở VH-TT-TT & DL. Hợp nhất Sở KH-CN với Sở GD-ĐT thành Sở GD - KH & CN. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cũng bỏ Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng về Văn phòng UBND tỉnh.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện chỉ tạm dừng hợp nhất với các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện. Việc hợp nhất các ban Đảng tại các địa phương thời gian tới vẫn diễn ra bình thường.
Mới đây, tại tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ đã hợp nhất Ban Tổ chức huyện ủy với Phòng Nội vụ huyện, hợp nhất cơ quan UBKT huyện ủy với Thanh tra huyện. TP Hải Phòng hợp nhất một loạt cơ quan Đảng với chính quyền ở cấp huyện như Văn phòng quận ủy với Văn phòng HĐND và UBND quận Hồng Bàng, huyện An Dương.
Trong khi đó, tỉnh Cao Bằng cũng đề ra các phương án thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan như Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối DN tỉnh; Cơ quan UB Kiểm tra tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh; hợp nhất Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ; Sở GTVT với Sở Xây dựng.
Đây vẫn là hai cơ quan độc lập, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Hà Giang căn cứ vào các quy định này khi sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy. Trước đó, tỉnh Hà Giang đã có văn bản 4030 gửi Bộ XD đề nghị cho ý kiến về dự thảo đề án hợp nhất Sở GTVT với Sở XD. Tỉnh Hà Giang dự kiến hợp nhất 2 sở vào 1-1-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận