Chiều 10-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì diễn đàn.
Thị trường chính là 'bà đỡ' cho các đề tài nghiên cứu khoa học
Trả lời về vấn đề làm sao đưa doanh nghiệp - nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - cho rằng thị trường chính là "bà đỡ" cho các đề tài nghiên cứu khoa học.
Theo ông Sơn, không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất. Mỗi doanh nghiệp có mục tiêu, định hướng riêng, do đó họ mới chính là những khách hàng thiết thực.
"Các doanh nghiệp là những đơn vị cần nguồn lực thực sự. Mấy năm gần đây, doanh nghiệp sẵn sàng trích từ quỹ phát triển của mình để dành cho công tác nghiên cứu. Do đó, đặt hàng riêng của doanh nghiệp đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học là rất quan trọng" - ông Sơn nói.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) Trần Kim Liên cho rằng doanh nghiệp chính là thị trường của khoa học công nghệ, bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường, do đó họ hiểu hơn hết thị trường cần cái gì.
"Nói như Bộ trưởng Lê Minh Hoan là cần một cơ chế nào đó, đó là dự đoán dự báo xu thế về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng để từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học.
Chúng tôi sẵn sàng trả tiền để đặt hàng các nhà nghiên cứu, khoa học trong nước. Hợp tác trước mắt là chuyển giao, còn hợp tác lâu dài, đấy là đặt hàng" - bà Liên nói.
Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu Nguyễn Đức Hưng đề xuất xây dựng một không gian, diễn đàn để người nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng. Các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận.
"Thực tế người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với kết quả nghiên cứu nói chung do thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Cần minh bạch về tính thẩm định của hệ thống tiêu chuẩn, để khi sản phẩm đưa ra thị trường có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm và người dân thụ hưởng đúng với chất lượng" - ông Hưng nói.
Nghiên cứu về giải pháp hữu ích để nông dân đỡ vất vả
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng cần hợp tác để kết nối và hiểu đúng khái niệm thị trường khoa học công nghệ.
"Tại sao phải gọi đó là thị trường? Thị trường là nơi gặp gỡ giữa cung và cầu. Thị trường thì sẽ có cạnh tranh, tạo ra động lực cho việc làm tốt hơn. Sản phẩm không tốt sẽ bị thải loại. Người không bán được hàng cũng tự đặt dấu hỏi, để phải cải tiến mà làm tốt hơn" - ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều viện nghiên cứu, ngược lại viện nghiên cứu cũng có quyền lựa chọn nhiều doanh nghiệp. Đó là cung cầu. Nếu chỉ dừng ở liên kết thì khó đi xa.
"Không nên nghĩ chúng ta là nhà khoa học, không gặp các doanh nghiệp nhỏ, hay siêu nhỏ. Chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì..." - ông Hoan nói.
Tư lệnh ngành nông nghiệp mong các viện nghiên cứu nghiên cứu về "giải pháp hữu ích" và hãy nghĩ tới người nông dân, làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận