19/08/2021 09:08 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác, liên kết để đưa nông sản vượt qua 'lời nguyền'

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TTO - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để thay đổi và vượt qua "lời nguyền" của một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" cần phải bằng tinh thần hợp tác, liên kết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác, liên kết để đưa nông sản vượt qua lời nguyền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết những ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh COVID-19 đã khiến mọi người cần nhìn lại, không chỉ sản xuất là xong rồi phó mặc cho thị trường như trước đây, mà còn là câu chuyện kết nối cung - cầu và tư duy lại nền sản xuất.

* Bộ đã thành lập tổ công tác hỗ trợ ĐBSCL giải quyết được một bước ách tắc, nhưng tiêu thụ nông sản vẫn còn khó khăn. Bộ đã có chỉ đạo cụ thể nào mạnh mẽ để giải quyết tốt hơn đầu ra cho nông sản miền Tây?

- Theo phân công của Thủ tướng, bộ đã thành lập ngay Tổ công tác thường trực ở TP.HCM do một thứ trưởng phụ trách, phối hợp hằng ngày với tổ công tác của Bộ Công thương tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến với 19 địa phương đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. 

Tổ công tác của bộ cũng đi thực tế các địa phương giúp xử lý những ách tắc trong các khâu thu hoạch, hoạt động của các doanh nghiệp chế biến, lưu thông phân phối. Nhìn chung, hoạt động của tổ đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và sự vận dụng các quy định còn khác nhau giữa các địa phương. 

Hiện nay, tình hình tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa gạo ở ĐBSCL đã cơ bản giải quyết, giá lúa đã nhích lên từ 300-500 đồng/kg. Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn sẽ tiếp tục theo sát, nắm bắt thông tin sản lượng và mùa vụ thu hoạch sắp tới, đặc biệt là lúa gạo khu vực vùng ĐBSCL.

* Không chỉ dịch bệnh mới gặp khó mà nhiều năm nay các loại nông sản, trái cây như xoài, nhãn của ĐBSCL ngon không thua kém các nơi, nhưng tiêu thụ luôn gặp trắc trở, thưa ông?

- Đúng là việc tiêu thụ nông sản của ĐBSCL những năm qua gặp khó khăn có tính chu kỳ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể rút ra những vấn đề. Thứ nhất, khi nông sản mùa trước được giá thì mùa sau nông dân mở rộng diện tích dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu. Thứ hai, hạ tầng giao thông yếu kém.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác, liên kết để đưa nông sản vượt qua lời nguyền - Ảnh 2.

Lúa hè thu ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó trong khâu thu mua, tiêu thụ do ảnh hưởng của giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. Trong ảnh: thu hoạch lúa hè thu ở An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Thứ ba, tư duy thị trường chưa được quan tâm đầy đủ, hầu như các địa phương chỉ chú trọng khâu sản xuất, thậm chí mở rộng quy mô sản xuất được xem là thành tích mà không đánh giá rủi ro thị trường. 

Thứ tư, do các địa phương khu vực ĐBSCL có nhiều nông sản tương đồng giống nhau, chưa xây dựng được nhiều nông sản gắn với hình ảnh địa phương như vải thiều Hải Dương, Bắc Giang hay nhãn lồng Hưng Yên. Điều đó dẫn đến không có địa phương nào tập trung công tác xúc tiến thương mại chung cho cùng một loại nông sản cả, mà mạnh ai nấy làm riêng lẻ.

* Thực tế cho thấy cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cũng trong bối cảnh phải giãn cách xã hội, nhưng vừa qua một số địa phương phía Bắc đã làm rất tốt câu chuyện đầu ra cho nông sản, đơn cử như câu chuyện vải thiều ở Bắc Giang. Là "tư lệnh" ngành, ông có thể chia sẻ điều gì từ câu chuyện này cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL?

- Như trên tôi đã nói, do có nhiều địa phương ở ĐBSCL có cùng loại nông sản tương đồng như xoài, nhãn, cá tra, tôm... nên các tỉnh trong vùng cần phải có tư duy liên kết vùng, tiểu vùng, liên tỉnh trong sản xuất và xúc tiến thị trường. Các địa phương cần ngồi lại đưa ra một kịch bản chung, hoạt động chung. Khi ấy, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan hỗ trợ kết nối với các hệ thống phân phối trong nước, các nhà nhập khẩu nước ngoài.

* Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân nông sản ĐBSCL chưa vươn xa chính là các địa phương và bà con nông dân chưa nhạy bén trong khâu tiếp thị; ngành nông nghiệp cũng chưa hỗ trợ nhiều cho nông dân?

- Điều đó hoàn toàn đúng và cũng phản ảnh tư duy "sản xuất nông nghiệp" còn chi phối trong ngành nông nghiệp, trong công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các địa phương và trong bà con nông dân. Khi chuyển sang tư duy "kinh tế nông nghiệp", bắt đầu vụ sản xuất là phải nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ, không đợi đến lúa chín vàng đồng, trái cây bắt đầu vào thu hoạch mới loay hoay tìm kiếm thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ.

Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đang hướng dẫn các địa phương xây dựng mã định danh vùng trồng, vùng nuôi nhằm có đầy đủ dữ liệu về quy mô sản lượng, mùa vụ, thời điểm thu hoạch để chủ động kết nối thông tin với thị trường. Khi có đầy đủ thông tin và có yêu cầu từ các địa phương, bộ cùng Bộ Công thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức kết nối thị trường, xúc tiến thương mại. Nhưng một lần nữa như các địa phương phía Bắc, các tỉnh vùng ĐBSCL cần chủ động liên kết với nhau trong các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác, liên kết để đưa nông sản vượt qua lời nguyền - Ảnh 3.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ cùng Bộ Công thương phối hợp với các địa phương tổ chức kết nối thị trường, xúc tiến thương mại. Trong ảnh: chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Vậy theo ông, để nông sản bà con mình tiêu thụ tốt hơn, ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL nên bắt đầu từ đâu? Chính quyền làm gì, bà con nông dân nên làm gì?

- Để có được những sự kiện xúc tiến tiêu thụ nông sản như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên… như trong thời gian gần đây, các địa phương này có sự chuẩn bị trong nhiều năm. Đó là xây dựng thương hiệu nông sản gắn với hình ảnh địa phương, từ đó đẩy mạnh quảng bá đặc sản địa phương, xây dựng mã định danh vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản và an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. 

Đó còn là áp dụng công nghệ sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng nông sản trong điều kiện vận chuyển dài ngày theo yêu cầu của người tiêu dùng và nhà nhập khẩu nước ngoài. Có dịp đi thăm Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, tôi nhận thấy nhận thức của bà con nông dân thay đổi rất nhiều. Bà con không những quan tâm đến sản lượng mà còn chú trọng đến chất lượng, làm đúng hướng dẫn sử dụng phân thuốc của ngành nông nghiệp và khuyến cáo của doanh nghiệp tiêu thụ. Không có cách nào khác, ngành nông nghiệp và nông dân các tỉnh ĐBSCL cần tiếp cận ngay cách làm của các tỉnh này.

* Khi còn là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp và bây giờ là bộ trưởng, ông luôn dị ứng chuyện "giải cứu" và đau đáu câu chuyện sản xuất nông nghiệp phải bền vững. Vậy việc này đã và đang được ông chỉ đạo hiện thực hóa thế nào?

- Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn đang xây dựng trình Chính phủ "Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030". Trong chiến lược này, để hướng đến sự bền vững của nền nông nghiệp phải có sự tham gia của 3 thành phần: cơ quan nhà nước chuyên ngành, doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân. Tôi muốn nêu điều đó để đi đến bền vững cần có sự thay đổi nhận thức từ cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp dẫn dắt thị trường và chính người làm ra nông sản là nông dân.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Hợp tác, liên kết để đưa nông sản vượt qua lời nguyền - Ảnh 4.

Nền nông nghiệp Việt Nam sẽ không theo hướng "sản xuất rồi là xong", mà còn phải kết nối thị trường và nhiều vấn đề liên quan để không còn cảnh phải "giải cứu" - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trước mắt, bộ tập trung kết nối dữ liệu nguồn cung nông sản trong từng vùng miền, chủ động kết nối với các hiệp hội tiêu thụ, hiệp hội ngành hàng... Bộ cũng tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường nước ngoài, đưa thêm nhiều loại nông sản trong đàm phán thông qua các hiệp định thương mại đa phương, song phương. 

Tuy nhiên, như tôi nhiều lần muốn gửi gắm với bà con nông dân, chúng ta phải cùng nhau thay đổi. Lời nguyền một nền sản xuất "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát" nếu không vượt qua bằng tinh thần hợp tác, liên kết thì không những nông sản chúng ta không thể đi xa được mà còn đối mặt thường xuyên với rủi ro mùa vụ. 

Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn là cơ quan hoạch định chính sách, đàm phán tìm kiếm thị trường, doanh nghiệp giữ vai trò dẫn dắt nhưng nông dân mới chính là người sản xuất ra nông sản để thị trường chấp nhận hay không chấp nhận.

Đề xuất cứu lúa gạo miền Tây bằng Đề xuất cứu lúa gạo miền Tây bằng 'luồng xanh' đường thủy

TTO - Ngày 16-8, Bộ Công thương có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên