Sáng 4-6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có phần trao đổi một số ý kiến của đại biểu trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Trước đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề của các bộ về giải quyết tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, an toàn hồ đập… ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Trao đổi lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Tôi cũng là dân Đồng bằng sông Cửu Long nên cảm nhận được những khó khăn của người dân. Trước nhà tôi, việc sạt lở, xâm nhập mặn, tôi cũng cảm nhận hằng ngày".
Ông Hoan cho biết Thủ tướng sau chuyến đi khảo sát vừa rồi cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 9 trình đề án tổng thể về chiến lược tiếp cận các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ cũng đã tổ chức hai phiên lấy ý kiến các chuyên gia Hà Nội và TP.HCM, trong tháng 6 sẽ tổ chức hội nghị gặp gỡ chuyên gia 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long để nghe thêm ý kiến.
Nói về vấn đề khan hiếm nước, ông Hoan cho hay thế giới đánh giá hiện đang ở mức kỷ nguyên khô hạn toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Việc tiết kiệm nước phải tiếp cận ở 3 vấn đề cụ thể là số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó, cách thức sử dụng sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước.
"Lâu nay, chúng ta chưa bao giờ xem nước là tài nguyên, mặc dù chúng ta nói tài nguyên nước. Nhưng bây giờ đứng trước thách thức biến đổi khí hậu, chúng ta phải sử dụng nước với tư duy là tài nguyên hữu hạn và phải tiếp cận nền nông nghiệp khan hiếm nước", ông Hoan nói.
Ông Hoan cho hay: "Vừa rồi chúng tôi có tiếp cận với các chuyên gia đến từ Israel, một quốc gia sa mạc nhưng vẫn có một nền nông nghiệp vượt trội. Khởi đầu họ đưa ra câu chuyện giáo dục trẻ nhỏ là văn hóa tiết kiệm nước, tiết kiệm trong tiêu dùng, sinh hoạt và trong nông nghiệp".
Và ông nêu quan điểm: "Có lẽ đến giờ này chúng ta phải có một tuyên ngôn với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng chúng ta không phải là quốc gia dư thừa nước và ngày càng khan hiếm hơn. Từ đó chúng ta chuyển đổi trạng thái nền nông nghiêp sử dụng nước hữu hạn".
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu thực trạng: "Chúng ta hiện sử dụng nước tưới tràn, tưới xả, trong khi người ta tưới nhỏ giọt. Trạng thái nền nông nghiệp tiết kiệm nước sẽ giúp hiệu chỉnh từng đơn vị nước một cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Nếu không, khi hết nước tự nhiên, chúng ta khai thác nước ngầm thì sẽ có nhiều hệ lụy và rơi vào vòng luẩn quẩn không có đường ra".
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vấn đề nguồn nước là vấn đề lớn, cần nguồn lực lớn, thậm chí đầu tư dài hơi. Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long còn xác định phải chuyển đổi không gian sống, không gian sản xuất hợp lý hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Trước mắt, theo ông Hoan, bộ sẽ đề nghị Thủ tướng ưu tiên nguồn lực đầu tư những công trình ở Đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế xâm nhập mặn và để khép lại nhiều vùng đang đầu tư "nửa kín nửa hở". Các công trình này sẽ có sức lan tỏa để nhiều người nông dân hưởng lợi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Xem xét thận trọng việc làm hồ trữ nước
Nói về vấn đề hồ chứa nước, trữ nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nghị quyết về Đồng bằng sông Cửu Long có đề cập vấn đề này.
Tuy nhiên, ông đề nghị các địa phương phải xem xét thận trọng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long không thể lấy một diện tích đủ rộng để làm hồ phục vụ cho một mình địa phương đó. Do đó cần cách tiếp cận tổng thể hơn.
Ông Hoan nêu bài học ở Trà Vinh, mùa hạn vừa qua tỉnh này không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Lý do tỉnh đã khơi thông nhiều luồng lạch, kênh mương. Đây cũng là bài học các địa phương cần nghiên cứu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận