Bộ trưởng Lê Minh Hoan (thứ hai từ phải qua) kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) vào rạng sáng 17-10 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đề nghị này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" diễn ra ngày 18-10.
Phải tư duy để tạo ra chuỗi giá trị chung
Theo ông Hoan, thời gian qua thực phẩm bẩn, rau dỏm gắn mác VietGAP vào siêu thị gây ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng. Cho rằng bản thân có phần trách nhiệm, nhưng ông cũng nhìn nhận rất khó để kiểm soát chặt chất lượng khi nền nông nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ.
Vì vậy, để định hướng lâu dài, theo ông Hoan, cần có cách tiếp cận khác. Đặc biệt là từ khâu sản xuất phải siết chặt hơn.
Bộ trưởng dẫn chứng tại Nhật Bản, có một ngôi làng hẻo lánh thay đổi thần kỳ nhờ trồng xà lách sạch. Tại đây, họ tự đứng ra tổ chức, xây dựng bộ tiêu chí riêng cho canh tác. Đây là những tiêu chí khắt khe khiến rau xà lách của làng dù không theo tiêu chuẩn phổ biến nào nhưng chất lượng vẫn cao.
"Họ có một quy tắc nếu một hộ nào trong làng vi phạm, không tuân thủ tiêu chí sẽ bị cấm canh tác. Nhờ vậy, Kawakami đã trở thành ngôi làng trồng rau sạch giàu nhất ở Nhật Bản. Thu nhập người dân nơi đây là 25 triệu yen một năm (hơn 200.000 USD) từ trồng xà lách", ông Hoan thông tin.
Tại Việt Nam, ông Hoan cho rằng doanh nghiệp và nông dân cũng nên hợp tác bằng tư duy tạo ra chuỗi giá trị chung như mô hình trên thay vì chỉ mua đứt bán đoạn. Thời gian đầu, doanh nghiệp cần tiếp cận nông dân, hiểu tâm tư và hướng họ sản xuất theo chuỗi giá trị.
"Khi mọi thứ đã theo quy trình và cả hai đều hướng tới người tiêu dùng, sản phẩm làm ra dù giá cao vẫn được đón nhận. Doanh nghiệp phải tiên phong, hướng dẫn, đặt hàng người nông dân để cho ra những thực phẩm sạch", ông Hoan nhận định.
Góc độ cơ quan quản lý, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết đã và đang rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài của ngành từ trung ương đến địa phương, sau đó sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp để nông nghiệp Việt chuyển mình.
"Những nội dung trước đây có thể khuyến khích sẽ dần chuyển sang bắt buộc để đưa sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất có điều kiện một cách chặt chẽ".
Trước đó, ngày 17-10, ông Lê Minh Hoan đã có buổi thị sát tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP.HCM như chợ đầu mối Bình Điền, siêu thị MM Mega Market, Co.op Extra, nông trại Nông Phát, WinEco.
Cần có "đất sống" cho người sản xuất sạch
Tại hội nghị, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết TP đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm ở nhiều khâu như chợ, siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng khách sạn.
"Dựa vào quy định pháp luật như quy định về nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ..., thời gian tới TP sẽ làm nghiêm hơn nữa để hạn chế thực phẩm kém chất lượng từ các tỉnh đưa về, những sản phẩm không đạt chất lượng phải xử lý, trả về", bà Lan khẳng định.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cho rằng ngành nông nghiệp cần dành ngân sách tài trợ cho các hiệp hội thực hiện các dự án xây dựng hệ sinh thái thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, cần tính toán hỗ trợ khâu tiêu thụ, bởi doanh nghiệp có chứng nhận chất lượng hữu cơ, VietGAP... rất nhỏ bé so với thị trường, như chồi non giữa những cánh rừng rậm.
"Sản xuất sạch nhưng thiếu vốn, sản phẩm đưa ra bị cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí không ai mua khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sạch nản lòng, bỏ cuộc. Chính phủ cần có những chính sách để các chồi non này lớn lên", bà Minh đề nghị.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho biết nhận diện thông qua logo đối với sản phẩm chuẩn an toàn VietGAP hiện nay khá bát nháo, mỗi nơi mỗi kiểu gây khó cho người tiêu dùng.
Do đó, cơ quan quản lý nông nghiệp cần đưa ra một quy chuẩn, cách nhận diện chung đối với sản phẩm VietGAP. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo nâng cao chuyên môn cho đơn vị cấp chứng nhận, mạnh tay sàng lọc và loại bỏ ngay những công ty thiếu tiêu chuẩn, làm ăn gian dối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận