31/10/2014 07:53 GMT+7

Bộ trưởng kinh tế Indonesia từng bán trứng để mưu sinh

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Không ai chọn nơi để sinh ra, nhưng người ta có thể chọn mình trở thành ai trong cuộc đời. Câu chuyện đời của tân bộ trưởng kinh tế Indonesia là một minh chứng.

Tân Bộ trưởng kinh tế Indonesia Sofyan Djalil - Ảnh: Reuters
Tân Bộ trưởng kinh tế Indonesia Sofyan Djalil - Ảnh: Reuters

Sinh ra trong đói nghèo tại một thành lũy của phiến quân Aceh, tân bộ trưởng kinh tế của Indonesia, ông Sofyan Djalil từng một thời buôn bán trên hè phố để trang trải học phí và tìm con chữ trên những mẩu báo vụn.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng ông Djalil cũng thành công trên con đường chính trị.

Ông ấy là người rất trung thực, rất liêm khiết và không thỏa hiệp. Đó là một trong những ưu điểm tuyệt nhất của ông
Cựu bộ trưởng quốc doanh Tanri Abeng mô tả về tân Bộ trưởng Djalil, người làm việc với ông hồi năm 1998-1999

Bán trứng vịt để đi học

Ông Djalil lấy bằng cử nhân luật tại ĐH Indonesia ở thủ đô Jakarta. Khi sang ĐH Tufts thuộc bang Massachusetts (Mỹ), ông lấy được một bằng cử nhân, một bằng tiến sĩ và chọn con đường trở về để phục vụ đất nước.

Tuy nhiên ít ai biết rằng thời còn đi học trường làng tại Aceh, ông Djalil phải đi bán trứng vịt để trang trải học phí. Lớn lên trong một ngôi làng nhỏ, theo Reuters, ông Djalil không có nhiều cơ hội để cầm trong tay những cuốn sách thật sự.

Bà Ratna Megawangi, vợ của ông Djalil, thuật lại rằng ông Djalil thường đọc những mẩu báo dùng để gói thực phẩm do cha ông - một thợ hớt tóc - mang về. “Mỗi ngày ông đều đợi cha về để được đọc báo - bà chia sẻ - Và ông ấy cũng luôn thất vọng khi mẩu báo mà ông đọc đã bị xé mất phần kết”.

Theo bà Megawangi, ước muốn lớn nhất trong cuộc đời của ông Djalil là có kiến thức để mở ra cho bản thân một cơ hội rời ngôi làng nhỏ. Ông phấn đấu bằng hết tâm sức và đã làm được.

Sau khi tốt nghiệp ĐH tại Mỹ, ông Djalil trở thành một nhà quản trị doanh nghiệp và về nước làm việc cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước. Người cha của ba đứa con này sau đó trở thành bộ trưởng truyền thông năm 2004 và quốc vụ khanh quản lý việc cấp phép cho doanh nghiệp quốc doanh năm 2007.

Ông Djalil cũng là nhà đàm phán cấp cao của Chính phủ Indonesia trong các cuộc đàm phán với phiến quân Aceh những năm 2000 để chấm dứt cuộc nổi dậy kéo dài 30 năm tại tỉnh quê nhà của ông.

Sau nhiều năm bị xem là kẻ phản bội, cuối cùng ông cũng có thể trở về quê nhà để thăm người mẹ già và người dân quê ông sau khi giúp Chính phủ Indonesia đạt thỏa thuận hòa bình với Aceh trong năm 2005.

Những thách thức mới

Reuters nhận định rằng tân bộ trưởng kinh tế Djalil sẽ cần tất cả những kỹ năng nhằm vượt qua các trở ngại trong trận chiến khó khăn để hồi sinh nền kinh tế Indonesia sau năm năm suy thoái tồi tệ.

Khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố nhà kỹ trị 61 tuổi Djalil sẽ trở thành “người đứng mũi chịu sào” cho nền kinh tế, thị trường đã không mấy ấn tượng với ông Djalil và phản ứng rất ít trong ngày hôm sau.

Các nhà đầu tư đã hi vọng ông Widodo chỉ định một nhà kinh tế có kinh nghiệm như giám đốc quản lý Ngân hàng Thế giới Sri Mulyani Indrawati hoặc Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Agus Martowardojo.

“(Djalil) được cho là thân cận của Phó tổng thống Jusuf Kalla và phải làm việc chăm chỉ gấp đôi để chứng minh rằng việc bổ nhiệm ông không hoàn toàn chỉ dựa vào mối quen biết đó” - nhà kinh tế Wellian Wiranto thuộc Ngân hàng OCBC của Singapore nhận định.

Với việc trở thành bộ trưởng kinh tế mới của Indonesia, ông Djalil thật sự sẽ phải đứng mũi chịu sào với khả năng hiểm họa tài chính có thể đến nhanh chóng. Thách thức lớn nhất là cắt giảm trợ cấp nhiên liệu đang phình to, một động thái chính trị khó khăn từng dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực và góp phần vào sự suy thoái của chính quyền độc tài Suharto năm 1998.

Trong khi phải cắt giảm thâm hụt ngân sách, ông Djalil cũng phải phục hồi tăng trưởng kinh tế và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém của Indonesia. Đó là chưa kể đến tổng sản phẩm quốc nội tăng 5,1% trong quý 2 năm nay - thấp nhất trong năm năm qua.

“Cơ cấu của chính quyền dưới thời tổng thống Widodo có kế hoạch trông cậy vào Sofyan quá nhiều” - ông John Kurtz, người đứng đầu Công ty cố vấn châu Á Thái Bình Dương A.T. Kearney, nhận định

Khi ông Widodo bổ nhiệm ông Kalla vào bộ máy điều hành đất nước, nhiều người đã trông đợi ông Djalil sẽ đặt chân vào nội các chính quyền Jakarta, tuy nhiên vợ của tân bộ trưởng kinh tế cho biết việc bổ nhiệm là khá bất ngờ. “Ông ấy chỉ biết việc ông được chỉ định làm bộ trưởng kinh tế ba hay bốn ngày trước tuyên bố chính thức” - bà Megawangi chia sẻ.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên