Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Cuộc chất vấn của các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Phử (chiều 13-3) xoay quanh chủ đề thực hiện chương trình 135 đối với đồng bào dân tộc, miền núi, vùng khó khăn.
“Tôi làm đại biểu Quốc hội ba khóa, làm bộ trưởng hai nhiệm kỳ nhưng chưa lần nào có vinh dự được đăng đàn chính thức trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, hôm nay là cơ hội vàng” - Bộ trưởng Phử khởi đầu.
Các đại biểu Kim Bé, Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề cập đến nhiều vấn đề trong việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc, vùng khó khăn như chỉ có 6% đồng bào dân tộc thiểu số có nghề; chính sách nhiều nhưng kinh phí cấp không đủ, thủ tục thực hiện phức tạp; chủ trương cho đồng bào vay vốn sản xuất đã được quyết định nhưng địa phương không bố trí được vốn; dân di cư tự do đến Tây Nguyên rất đông gây ra nhiều hệ lụy… Các đại biểu hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì đột phá cho những vấn đề trên.
“Các đồng chí đề cập rất đúng mà cũng là trăn trở của tôi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc luôn đứng về phía người nghèo, người dân tộc, người khó khăn” - Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng nói rằng “có lẽ tôi cũng không thể báo cáo giải pháp đột phá thời gian tới là thế nào”. Ông kêu thiếu tiền đầu tư và dẫn chứng theo Quyết định 551 của Thủ tướng thì mỗi xã nghèo được phân bổ 1,5 tỷ đồng/năm nhưng năm nau Quốc hội chỉ phân bổ được 1 tỷ đồng/xã/năm.
“Tôi nghĩ rằng nếu Quốc hội thấy cần phải nâng lên thì đó là thẩm quyền của Quốc hội. Đề nghị Quốc hội quan tâm… Tôi cũng xin nói thẳng là chính sách của chúng ta là chính sách theo nhiệm kỳ, chứ chưa có chính sách mang tính trung hạn, dài hạn. Đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Quốc hội làm chính sách thì đã mất 2-3 năm rồi, nên bà con chỉ được hưởng chính sách khoảng hai năm thôi. Hỏi tôi là đột phá gì thì tôi nghĩ là phải thay đổi cách làm chính sách” - Bộ trưởng nói.
Riêng vấn đề di dân, Bộ trưởng Giàng Seo Phử trình bày: Đồng bào dân tộc thì họ di cư đến vùng còn nhiều đất màu mỡ, còn nhiều rừng. Đây là thực trạng mà chúng ta cần nắm rõ tình hình để xử lý, chứ nếu chúng ta cứ nặng về phê phán rồi chỉ giải quyết phần ngọn không. Chúng ta cần đầu tư, thậm chí là cho gạo, chúng ta thừa mấy triệu tấn gạo vậy thì cho họ ăn gạo nhà nước để trồng rừng, bảo vệ núi… Còn với các địa phương mà người ta đã di dân đến rồi thì bây giờ phải quy hoạch, giải quyết cho họ đất ở và đất sinh hoạt, tạo cho họ sinh kế làm ăn.
“Bộ trưởng nói không biết đột phá là thế nào, tôi không bằng lòng” - đại biểu Kim Bé phản ứng. Bà Kim Bé cho rằng Quốc hội quyết định chính sách dựa trên tham mưu của Chính phủ, bộ, ngành nên “Bộ trưởng không nên đổ thừa cho Quốc hội, nói vậy đồng bào lại nghĩ là đại biểu Quốc hội không thương đồng bào”.
Bộ trưởng Phử giải thích: “Các đại biểu hỏi đột phá, muốn đột phá thì phải có nguồn lực. Chương trình, dự án chúng ta đã xác định như vậy rồi, đúng rồi, nhưng ra Quốc hội thì các đồng chí nói là không bố trí được nguồn lực. Tôi nghĩ các đồng chí đại biểu Quốc hội cũng phải chịu trách nhiệm, vì trình ra như vậy mà Quốc hội chỉ quyết định được có 60-70% thôi”.
Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng nhiều lần nhận trách nhiệm trước đại biểu Quốc hội và đồng bào về những gì ông còn chưa làm được, đồng thời hứa sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để xây dựng chính sách tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận