19/06/2023 17:28 GMT+7

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ cách tránh lừa đảo trong giao dịch bất động sản

Cần có quy định năng lực tài chính của chủ đầu tư khi được cấp phép các dự án bất động sản nhằm tránh tình trạng lừa đảo trong các giao dịch, thiệt hại cho người dân.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ cách tránh lừa đảo trong giao dịch bất động sản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư - Ảnh: N.AN

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Chủ đầu tư cần nộp đủ tiền mới được giao đất

Nêu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định năng lực tài chính với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. 

Việc này nhằm đảm bảo chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính để triển khai dự án đúng tiến độ. Bởi theo ông, hiện nay có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy tờ vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước.

Theo ông, luật quy định giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất. Nếu doanh nghiệp không nộp sẽ bị phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng.

Dẫn tới trường hợp doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách. Hậu quả là người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền sẽ đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thiết kế trong luật cần đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Những tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự cần đưa ra tòa.

“Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết?” - bộ trưởng đặt câu hỏi.

Theo ông, việc chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn, gây mất lòng tin.

Do đó, ông Phớc cho rằng cần có quy định chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau phải đi đòi nợ” - ông nói. 

Chặn dự án ma hình thành trong tương lai lừa đảo người dân 

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.HCM) cũng cho rằng luật cần sửa đổi, tập trung vào những vấn đề đang nổi cộm trong thời gian qua liên quan đến giao dịch bất động sản.

“Gần như chúng ta không nắm được thị trường hoạt động như thế nào. Có những loại bất động sản tăng giá một cách bất thường, những thông tin đồn thổi làm tăng giá bất thường, không quản lý được, đặc biệt là bất động sản hình thành trong tương lai” - ông Cường nói.

Theo đại biểu, bất động sản tăng giá bất thường chủ yếu tài sản hình thành trong tương lai. Với những trường hợp đất nhà đã có, hình thành lên nhà thì gần như giá khá ổn định, không tăng lên, giảm xuống bất thường.

Ông Cường chỉ ra thực tế là những vụ lừa đảo của các dự án ma, bất động sản mới vẽ ra giấy nhưng đã phân lô để bán, lúc đó có thể lừa được người mua. Còn trường hợp hình thành nhà, sẽ khó có thể lừa được người dân.

Liên quan đến sàn giao dịch bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cho hay vừa qua giao dịch qua sàn bất động sản chưa quản lý được, xuất hiện nhiều hiện tượng “bắt tay” giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch để nâng giá, đẩy giá bất động sản lên cao, gây sốt ảo thị trường. 

Mặt khác giao dịch qua sàn cũng tạo thêm khâu trung gian, phát sinh chi phí và chưa rõ tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch qua sàn, liệu có thay thế được hợp đồng công chứng hay không.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, ông Hùng nói không nên bắt buộc mọi giao dịch bất động sản phải qua sàn, mà chỉ nên khuyến khích. Nếu các sàn giao dịch đi vào hoạt động bài bản, quy củ, minh bạch thì nếu tốn thêm chi phí người dân cũng chấp nhận, tự nguyện tham gia.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội: Không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sànỦy ban Kinh tế Quốc hội: Không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn

Đề xuất mọi giao dịch bán, cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn đã không nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế Quốc hội.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên