10/04/2016 09:31 GMT+7

"Bộ trưởng hành động" chịu trách nhiệm thực hiện cam kết hội nhập

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ thực hiện
CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ thực hiện

TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - khẳng định truyền thống gia đình sẽ là áp lực để ông phấn đấu. Ông sẽ là bộ trưởng hành động nhưng với kết quả đo đếm được.

Đồ họa: Việt Thái

Mở đầu cuộc trao đổi, ông Trần Tuấn Anh nói: "Khi được tin tưởng giao giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Công thương, tôi có những cảm xúc nhiều chiều. Có sự tự hào vì những cố gắng, sự trưởng thành… của bản thân đã được ghi nhận. Nhưng tôi cũng ý thức được trách nhiệm sẽ nặng nề, nhất là vào thời điểm hiện nay.

Bộ như công thương là bộ đa ngành, thách thức và những vấn đề đặt ra đều rất lớn, đặc biệt là nhiệm vụ tái cơ cấu, thực thi cam kết hội nhập…, nhất là khi nền kinh tế VN đã bộc lộ những tồn tại mà để giải quyết cần sự vào cuộc của các bộ ngành, các cấp chính quyền…

Dưới góc độ người đứng đầu một ngành, làm sao tạo sự kết nối để giải quyết công việc, tăng vai trò, sự năng động của bản thân là cả thách thức. Tuy nhiên, tôi đã là thứ trưởng Bộ Công thương trong một thời gian dài nên cũng đã có sự chuẩn bị.

Quyết đoán nghĩa là bản lĩnh, sự điều hành mang tính quyết liệt, dám chịu trách nhiệm, thật sự dám đối mặt với những vấn đề đặt ra, từ đó xử lý triệt để, đáp ứng đúng yêu cầu thực tế đặt ra. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Sẽ tập trung gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

* Ông đã có quá trình công tác rất thuận lợi trong lĩnh vực thương mại, như từng làm tổng lãnh sự VN tại Mỹ. Điều đó liệu sẽ giúp gì cho ông?

- Tôi nghĩ những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân trong lĩnh vực đối ngoại và kinh tế đối ngoại là thuận lợi để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình cũng như những nhiệm vụ đặt ra cho ngành công thương. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tổ chức thực thi tốt cam kết hội nhập.

Nó không đơn giản là cam kết mở cửa thị trường, mà là cả thách thức trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng… Với vốn hiểu biết của mình, tôi có được cách tiếp cận những xu thế phát triển chung của thế giới, hiểu rõ những thách thức và cơ hội.

Việc vận dụng kinh nghiệm đó, để dưới ánh sáng Đại hội Đảng cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội đã được thông qua sẽ giúp tôi thể chế hóa thành các quy định, thành hành động trong điều hành, thực thi chính sách.

* Vậy đâu sẽ là những việc ưu tiên ông tập trung xử lý trên cương vị bộ trưởng Bộ Công thương? 

- Một trong những nhiệm vụ quan trọng tôi sẽ làm là ưu tiên thực hiện những chiến lược phát triển ngành công thương đã được thông qua.

Ngay năm 2016, những công việc cụ thể cần làm đã được xác định rất rõ: thực thi chính sách để phát triển bền vững, ổn định vĩ mô, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp, thương mại.

Tôi sẽ tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Tiếp theo là ưu tiên trong tổ chức thực thi các cam kết hội nhập. Để làm điều đó, chắc chắn phải giới thiệu đầy đủ nội dung cam kết để nhân dân, doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế cho hội nhập.

Tiếp theo là nhiệm vụ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở VN. Một số đề án lớn của ngành công thương về tái cơ cấu cũng sẽ được tập trung. Tôi tin năm 2016 sẽ là năm quyết liệt của Bộ Công thương.

* Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khi nhận chức nói ông sẽ là bộ trưởng hành động. Phương châm của ông sẽ thế nào?

- Khi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng công bố sẽ là bộ trưởng hành động, tôi nghĩ rằng đó không chỉ là slogan, thông điệp của bộ trưởng mà là yêu cầu đặt ra của cả ngành công thương. Nên bất luận giai đoạn nào, nhiệm kỳ năm năm trước hay tới đây, tôi cho rằng phương châm bộ trưởng hành động phải coi là thông điệp xuyên suốt của bộ trưởng Công thương.

Nhưng tôi quan niệm với bản thân là phương châm “Bộ trưởng hành động” sẽ phải chuyển biến thành nỗ lực và kết quả cụ thể, nhằm đạt mục tiêu chung của ngành cũng như của đất nước.

Thật ra với thời điểm 2016, nhất là bối cảnh hội nhập sâu rộng, ngoài yêu cầu một bộ trưởng hành động, tôi nghĩ còn cần một người đứng đầu ngành với tầm nhìn và bản lĩnh để vượt qua những thách thức lớn, những đụng chạm, những yêu cầu cần sự quyết đoán và bộ trưởng sẽ phải dám chịu trách nhiệm để tổ chức thực hiện thành công các cam kết hội nhập.

Sẽ tách bạch quản lý nhà nước với hoạt động doanh nghiệp

* Ngành công thương có vấn đề nhạy cảm như giá điện, khí, xăng dầu… Là bộ trưởng, ông có thấy áp lực và hướng xử lý của ông thế nào?

- Trước hết, phải xác định mục tiêu kiên định và xuyên suốt trong điều hành của Chính phủ là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hoàn chỉnh. Nghĩa là những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường phải được xây dựng đồng bộ.

Chủ trương và giải pháp, theo tôi, đã rõ. Bộ Công thương dù lĩnh vực rất rộng, có những tồn tại của thể chế hay có phức tạp trong quản trị doanh nghiệp nhà nước, thì vẫn phải xác định hướng tới mục tiêu thị trường cho dù đó là điện, than, xăng dầu…

Bước triển khai thực hiện tất nhiên sẽ cần cân nhắc phù hợp với trình độ phát triển hiện tại, khắc phục những tồn tại trước kia nhưng ta phải chấp nhận những nguyên tắc chung của kinh tế thị trường. 

* Ông có nghĩ sẽ có lực cản nào không khi tách quyền quản lý, đại diện nhà nước tại doanh nghiệp và việc làm chính sách của các cán bộ?

- Chắc chắn sẽ có khó khăn nhưng sẽ có thuận lợi. Khó khăn có thể đến từ sức ì tại một số doanh nghiệp nhà nước. Nó cũng có thể xuất phát từ chính một số cán bộ công chức ngành công thương cũng như các ngành khác. Họ vẫn quen mô hình cũ, chưa chuyển đổi hiệu quả.

Thậm chí có thể có kết cấu lợi ích giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp nhà nước. Sẽ phải nắm rõ tính chất từng vấn đề để có biện pháp, cách làm hiệu quả. Nhưng cũng phải nhớ định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế VN, phải đảm bảo sự hài hòa ở đây. 

* Nhiều người nói truyền thống gia đình đã hỗ trợ ông nhiều trong quá trình công tác cũng như khả năng xử lý các khó khăn sau này? 

- Tôi có một may mắn là sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống, được thụ hưởng việc đào tạo trong môi trường tốt. Đó là vốn sống rất quý, điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thiện bản thân trong quá trình công tác cũng như cuộc sống.

Tôi cũng không giấu giếm vai trò của bố (nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương - PV) và gia đình đã giúp tôi được hưởng nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình tham gia hoạt động đóng góp chung cho xã hội cũng như kinh nghiệm trong quản lý. Nhưng bất cứ ai được tự hào thì cũng luôn phải có ý thức trách nhiệm trong phấn đấu.

Truyền thống gia đình, những kinh nghiệm học hỏi được sẽ giúp tôi trong công việc sau này trước những khó khăn, áp lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Tôi cho rằng một trong những điều quan trọng hàng đầu tôi học hỏi, tiếp thu được từ thế hệ đi trước là ý thức trách nhiệm với sự nghiệp chung của Đảng, đất nước, dân tộc.

Trên ý thức đó, ý chí và quyết tâm, nỗ lực cá nhân chấp nhận hi sinh sẽ rất rõ ràng. Tôi tin thời gian tới những điều kể trên sẽ được thể hiện rõ.

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên