09/07/2022 09:46 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GTVT: Không cải thiện giao thông, TP.HCM sẽ thành đô thị nghẽn nhất Việt Nam

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG

TTO - Nếu tình hình tắc nghẽn giao thông ở TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không được cải thiện, TP.HCM sẽ thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Bộ GTVT: Không cải thiện giao thông, TP.HCM sẽ thành đô thị nghẽn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chia sẻ như vậy tại hội nghị tổng kết thực hiện nghị quyết 53 năm 2005 và kết luận 27 năm 2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 9-7.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã dành toàn bộ 5 phút phát biểu để nói về sự tắc nghẽn trầm trọng của hệ thống giao thông đường bộ, hàng không tại TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Thể nêu thực trạng giao thông nội đô TP.HCM và giao thông liên vùng hết sức bất cập. Dù hai vùng kinh tế có hệ thống cảng biển phát triển và có nhiều ưu thế, giao thông kết nối giữa các tỉnh và các cảng biển lại rất kém.

Về giao thông đường bộ, đường vành đai 2 hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông liên vùng nhưng đến nay chưa kết nối đồng bộ. Đường vành đai 3 TP.HCM mới được Quốc hội thông qua, còn vành đai 4 chưa được quan tâm đúng mức. Về đường hàng không, trong khi sân bay Long Thành đang làm thì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải liên tục. Đường sắt kết nối lại lạc hậu.

Các tuyến cao tốc liên vùng nối TP.HCM đi Cần Thơ liên tục ùn tắc, sắp tới cần mở rộng; TP.HCM - Dầu Giây mới đưa vào khai thác đã quá tải; TP.HCM - Chơn Thành - Gia Nghĩa mới chỉ có kế hoạch chưa triển khai; TP.HCM - Mộc Bài cũng chỉ mới bàn kế hoạch. "Nói tóm lại, hệ thống kết nối liên vùng bằng đường bộ rất bất cập", ông Thể nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn: "Thực trạng giao thông ở vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM đã rất cấp bách. Sắp tới, ban hành nghị quyết mới về phát triển các vùng này phải quan tâm giải quyết, tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông tại các vùng này. Nếu không làm được, đầu tàu sẽ chậm dần và trở thành gánh nặng cho cả nước, thay vì là động lực tăng trưởng".

Ông Thể cho rằng cần quan tâm phát triển các đường giao thông trục chính, vành đai để khơi thông tắc nghẽn. Về nguồn lực, ông cho biết đã bố trí 120.000 tỉ để triển khai các dự án lớn sắp tới.

Ngoài ra, Thủ tướng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư một số tuyến cao tốc bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Cụ thể, cố gắng hoàn thành sớm toàn tuyến đường vành đai 2; quyết liệt triển khai và hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM trong năm 2025 hoặc 2026 để kết nối các tỉnh.

"Từ đây đến năm 2025 cố gắng triển khai và hoàn thành xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Về cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Chính trị, Chính phủ đã tháo gỡ các vướng mắc, tôi tin sẽ xong trong một vài năm tới. Tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cố gắng kêu gọi để thực hiện. Hay cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Gia Nghĩa thì Thủ tướng đã có một số cuộc làm việc, tôi mong các tỉnh cố gắng hợp lực để nhanh chóng thực hiện. 

Riêng tuyến TP.HCM - Long Thành, chúng tôi triển khai các biện pháp để hoàn thành. Đường về TP.HCM cũng sẽ được nghiên cứu để nâng cấp cao tốc TP.HCM - Trung Lương", ông Thể nêu rõ một số đột phá về hạ tầng giao thông sẽ được triển khai.

Về sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị TP.HCM phối hợp với Bộ Quốc phòng để mở rộng nhà ga và các khu vực dịch vụ, đảm bảo phục vụ 50 triệu hành khách/năm. Ông cũng tin sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2025.

"Tôi mong TP.HCM và các địa phương cùng hợp tác với nhau để khơi thông, hình thành các đường chuyên dụng, cao tốc khai thác ưu thế của các cảng biển. Mong trung ương và địa phương sẽ hợp lực, khai thác việc xã hội hóa để từng bước giải quyết ách tắc giao thông nhằm tạo ra hệ thống giao thông tốt cho hai vùng kinh tế quan trọng này" - ông Thể nói.

Cận cảnh những điểm nghẽn chờ vành đai 3 'giải cứu' Cận cảnh những điểm nghẽn chờ vành đai 3 "giải cứu"

TTO - Đường vành đai 3 TP.HCM đã được quy hoạch hơn 10 năm qua nhưng đến nay chưa được xây dựng khép kín. Do đó, dòng xe từ các tỉnh thành phải quá cảnh qua TP.HCM khi đi từ vùng này sang vùng khác, gây quá tải, kẹt xe.

TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên