19/04/2019 14:38 GMT+7

Bộ trưởng GTVT: Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ còn mù mờ tính khả thi

THANH TÚ
THANH TÚ

TTO - Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sáng 19-4 tại Tiền Giang.

Bộ trưởng GTVT: Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ còn mù mờ tính khả thi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi họp - Ảnh:THANH TÚ

Ngày 19-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với Viện khoa học và công nghệ Phương Nam, Công ty CP tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn thiết kế tuyến ) và lãnh đạo các tỉnh có tuyến đường sắt đi qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đã được đồng ý chủ trương nghiên cứu từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, đơn vị tư vấn vẫn chưa thuyết phục được các phương án khả thi về tuyến, về hạn mức đầu tư và đặc biệt là tính khả thi trong vấn đề thu hồi vốn.

Trong khi đó, ông Trần Công Hoàng Quốc Trang - giám đốc Viện khoa học và công nghệ Phương Nam - cho biết đã có nhà tài trợ cho dự án gần 5 tỉ USD trong khi tổng vốn dự kiến khoảng 4,5 tỉ USD.

Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 139km, tốc độ thiết kế 200km/h. Có 9 nhà ga đi qua các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn I từ ga Tân Kiên (TPHCM về Cần Thơ) do hai công ty trên nghiên cứu tư vấn từ năm 2013.

Giai đoạn II tuyến từ ga Tân Kiên đi An Bình (Bình Dương) không được hai đơn vị này nghiên cứu.

Đánh giá về tính khả thi của dự án mà đơn vị tư vấn đề xuất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc tư vấn đưa ý tưởng giải tỏa gần 4.600ha đất tại các nhà ga trên tuyến đi qua để thực hiện các dự án đô thị nhằm thu hồi vốn còn mù mờ, thiếu thuyết phục, cần phải tính toán cụ thể lại.

Đại diện các tỉnh Long an, Tiền Giang và Vĩnh Long cũng tỏ ra quan ngại về diện tích phải giải tỏa lớn để nhà đầu tư thực hiện dự án theo tư vấn.

Ông Nguyễn Văn Liệt - giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long - đơn vị sẽ phải thực hiện giải tỏa khoảng 1.000ha đất cho dự án cho rằng như vậy rất khó khăn. Đặc biệt, về mục đích giải tỏa để doanh nghiệp bán lại càng khó hơn khi thực tế hiện nay giá đất tăng gần như từng ngày.

Bộ trưởng GTVT: Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ còn mù mờ tính khả thi - Ảnh 2.

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, cố vấn đơn vị tư vấn phát biểu - Ảnh: TTÚ

Kết luận tại buổi làm việc, ông Thể yêu cầu tư vấn phải làm rõ ba vấn đề quan trọng. Đó là phải làm rõ phương án mới sao cho tốt hơn phương án cũ.

Tuyến đường sắt phải đảm bảo kết nối giao thông với các tuyến đường hiện hữu và phải thuận tiện đi đến các quốc lộ, cảng đường thủy nội địa và khu đô thị.

Khi đề xuất giải tỏa quỹ đất để thu hồi vốn, tư vấn phải làm rõ dùng đất đó để làm gì, phương án thu lợi nhuận từ đất hoặc các công trình khác ra sao.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng dù được duyệt sau đó phương án cũng phải thông qua đấu thầu quốc tế. Việc nhà đầu tư đứng sau lưng đơn vị tư vấn chỉ là lợi thế khi xét thầu.

“Không có chuyện nhà đầu tư A, B gì đó đã đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ như một số thông tin trên các phương tiện truyền thông thời gian qua” - bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Bộ trưởng GTVT: Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ còn mù mờ tính khả thi - Ảnh 3.
THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên