05/10/2022 19:10 GMT+7

Bộ trưởng Đức tố Mỹ bán khí đốt giá cao khi cuộc chiến Ukraine tiếp diễn

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cáo buộc Mỹ và một số nhà cung cấp khí đốt “thân thiện” khác đang đặt giá “trên trời”. Theo CNBC, điều này ngụ ý các nước trên đang hưởng lợi từ cuộc chiến Ukraine.

Bộ trưởng Đức tố Mỹ bán khí đốt giá cao khi cuộc chiến Ukraine tiếp diễn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck - Ảnh: REUTERS

Trả lời báo Đức NOZ phát hành hôm 5-10, ông Habeck nói: "Một số nước, bao gồm các nước thân thiện, đôi lúc đặt giá cao ngất ngưởng. Dĩ nhiên, điều này mang tới những vấn đề mà chúng ta buộc phải bàn tới".

Bộ trưởng Kinh tế Đức ngoài ra kêu gọi sự đoàn kết từ Mỹ, mong Washington hỗ trợ áp lực năng lượng đang đeo bám các đồng minh châu Âu.

"Mỹ đã liên hệ với chúng tôi khi giá dầu tăng, và dự trữ quốc gia ở các nước châu Âu đã được khai thác. Tôi cho rằng sự đoàn kết như vậy cũng sẽ tốt cho việc kiềm chế giá nhiên liệu hiện nay", ông nói thêm.

Cùng với khó khăn từ đại dịch và tình trạng lạm phát, giá nhiên liệu đã tăng trong thời gian qua, từ sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Giá khí đốt cũng là chủ đề nóng tại châu Âu khi các nước này bước vào mùa đông.

Các nước châu Âu đã căng thẳng với Nga quanh câu chuyện Ukraine. Công ty Gazprom của Nga cũng đã cắt nguồn cung cho châu Âu trong vài tháng gần nhất như một động thái đáp trả lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Nga. 

Trước đây, khoảng 45% nhập khẩu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) là từ Nga, nhưng họ cũng chủ động giảm nhập khẩu để ủng hộ Ukraine.

Bản thân Đức lại là nước lệ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga trong vài thập niên gần đây, bao gồm sự hiện diện của các dự án khổng lồ như đường dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2, dẫn khí đốt từ Nga sang Đức thông qua biển Baltic.

Dự án Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD thậm chí đã bị dừng sau khi Đức tố Nga "xâm lược" Ukraine. Nhưng hiện nay Nord Stream 1 vẫn còn và được xem là con cờ quan trọng trong mối quan hệ giữa Nga và EU.

Trước đây, một số ý kiến cũng cho rằng Mỹ tìm cách gây áp lực lên Đức nhằm ngăn dự án Nord Stream 2, tức ngăn việc một đồng minh quan trọng của Washington tăng cường hợp tác năng lượng với Nga.

Sau bình luận của Bộ trưởng Habeck, CNBC cho biết đã liên hệ với Nhà Trắng và đang chờ phản hồi.

Khí đốt, Nga và EU: Không thuận mua, chẳng vừa bán Khí đốt, Nga và EU: Không thuận mua, chẳng vừa bán

TTCT - Trong khi Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp liên tục để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, Nga cũng tích cực tìm đầu ra mới cho tài nguyên của mình trong tương lai.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên