13/11/2024 12:22 GMT+7

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Gỡ nút thắt tiếp cận đất đai thực hiện các dự án nhà ở thương mại

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu rõ nếu được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được nút thắt về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Gỡ nút thắt tiếp cận đất đai thực hiện các dự án nhà ở thương mại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 13-11, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra, Quốc hội thảo luận ở tổ dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Bổ sung phương thức tiếp cận đất đai trong thực hiện nhà ở thương mại

Giải trình thêm tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ bản chất của nghị quyết thí điểm để bổ sung một phương thức hay hình thức tiếp cận đất đai trong thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

"Nghị quyết này nếu được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được nút thắt về phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại", Bộ trưởng nêu rõ.

Về tên gọi, có ý kiến đề nghị nên tiếp thu thí điểm về thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở.

Theo Bộ trưởng Duy, ban đầu tên gọi khi Chính phủ đăng ký với Quốc hội như vậy. Nhưng trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết thấy rằng nếu quy định vậy sẽ chưa bao quát được hết các trường hợp.

Bởi có tình huống nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất mà trong phần đất nhận chuyển quyền đó có cả phần đất ở và phần đất không phải đất ở.

Nếu đưa vào ngay tên gọi nghị quyết chỉ khống chế trường hợp không phải đất ở mới được nhận chuyển quyền sẽ vướng mắc.

Cũng có ý kiến cho rằng có thể chồng lấn với Luật Đất đai, vì luật đã quy định những trường hợp mà được phép nhận chuyển quyền.

Về việc này, ông Duy nói trong dự thảo nghị quyết Chính phủ đã thiết kế thêm quy định loại trừ các dự án mà đã được pháp luật về đất đai, cụ thể Luật Đất đai năm 2024, cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc là đang có quyền sử dụng đất.

Nếu như trường hợp nào đã được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 thì loại trừ phạm vi điều chỉnh của nghị quyết.

"Tên gọi vẫn bao quát và đảm bảo là không bị chồng lấn với các dự án Luật Đất đai năm 2024 đã cho phép thực hiện", Bộ trưởng Duy nêu thêm.

Về tiêu chí để thực hiện dự án thí điểm trong dự thảo nghị quyết quy định là không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch so với diện tích đất ở hiện hữu.

Giải thích lý do đưa ra quy định này, ông Duy nói trong nghị quyết 18 của Trung ương có quy định thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Như vậy nghị quyết của Trung ương quy định sẽ chủ yếu lựa chọn hai hình thức đấu giá hoặc đấu thầu. Vì vậy, hình thức thứ ba, nhận ủy quyền hoặc hình thức thứ tư, chuyển mục đích sử dụng đất với đất đang có quyền sử dụng, nếu thực hiện không phải là chủ yếu.

"Vì vậy, Chính phủ đề xuất tối đa 30%. Như vậy 70% còn lại sẽ thực hiện theo phương thức đấu thầu hoặc đấu giá, theo đúng tinh thần của nghị quyết 18", ông Duy nói thêm.

Không nên mở rộng với khu vực nông thôn

Có ý kiến đại biểu cho rằng nên mở rộng với khu vực nông thôn chứ không chỉ khống chế ở khu vực đô thị.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu hiện nay theo quy định của Luật Đất đai đã cho phép Nhà nước thu hồi đất với trường hợp dự án quy mô khu đô thị đồng bộ và cho phép thu hồi đất với các dự án phát triển khu dân cư nông thôn.

Như vậy, tại khu dân cư nông thôn đã có phương thức Nhà nước thu hồi đất và các địa phương vẫn thực hiện bình thường. Nên không nhất thiết bổ sung thêm hình thức thỏa thuận ở khu vực nông thôn.

Trong tiêu chí nêu với các loại đất khác nhau đều được thực hiện, vậy cần phải thiết kế hoặc có cơ chế, chế tài như thế nào để bảo đảm vấn đề an ninh lương thực với tinh thần duy trì ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng bình quân cả nước 42%.

Bộ trưởng nêu rõ vấn đề này có thể yên tâm bởi đã thực hiện và được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất, rồi quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Còn ở đây là bước thực hiện quy định.

Về thời gian thực hiện thí điểm 5 năm và cần có quy định chế tài trong trường hợp nhà đầu tư khó khăn trong việc nhận chuyển quyền hay thời gian nhận chuyển quyền kéo dài.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng nhấn mạnh Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rất cụ thể về xử lý nhà đầu tư nhận chuyển quyền sử dụng đất và trường hợp thời gian kéo dài được gia hạn như thế nào.

Trường hợp hết thời gian ra mà không thực hiện việc thỏa thuận thành công với toàn bộ diện tích cũng đã có cơ chế xử lý trong Luật Đất đai năm 2024. Cho nên trong dự thảo nghị quyết có dẫn chiếu thực hiện theo quy định Luật Đất đai...

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Gỡ nút thắt tiếp cận đất đai thực hiện các dự án nhà ở thương mại - Ảnh 3.Chính thức trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hơn 67 tỉ USD

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên