Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5.
Mượn hồ sơ người khác tham gia bảo hiểm xã hội
Về tình trạng thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay theo quy định, người lao động có quyền ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm.
Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ...
Tuy nhiên, xuất phát từ việc nhận thức của người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động thực hiện việc mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ.
Kèm theo đó là giấy ủy quyền nhận trợ cấp để sau đó làm thủ tục thanh toán và hưởng chênh lệch.
Bộ đã yêu cầu các cơ quan chỉ đạo việc kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thu mua sổ bảo hiểm của người lao động.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình chi trả để đảm bảo việc chi trả được đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Hiện nay, bộ phối hợp với các bộ, ngành đã xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời bổ sung hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới nội dung này.
Đáng chú ý, năm 2022, theo báo cáo sơ bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động mượn hồ sơ tư pháp mà các địa phương đã phát hiện đến thời điểm hiện tại là 3.716 trường hợp.
Trong đó đã giải quyết 9.320 lượt người hưởng chế độ ốm đau với số tiền trên 5,3 tỉ đồng, 301 lượt người hưởng chế độ thai sản với số tiền trên 3,7 tỉ đồng...
Hiện tại, người lao động mượn hồ sơ muốn điều chỉnh thông tin cá nhân để làm cơ sở tiếp tục tham gia và hưởng các quyền lợi bảo hiểm.
Ông Dung nêu rõ việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động. Đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Bộ đã có công văn gửi các cơ quan hướng dẫn người lao động, người sử dụng lao động ra cơ quan tòa án để thực hiện thủ tục tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Sau đó cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành điều chỉnh thông tin tham gia của người lao động theo quyết định của tòa án.
Năm 2022: 997.470 người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Về việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, ông Dung dẫn báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay trong năm 2022 số người giải quyết hưởng này là 997.470 người (tăng 3,55% so với năm 2021).
Trong giai đoạn 2016 - 2022 đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong đó số người quay trở lại đóng là 1,24 triệu người (chiếm tỉ lệ 27,7% số người hưởng).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên theo ông Dung, một số nguyên nhân chính là đa số người lao động có thu nhập không cao, khả năng tích lũy không nhiều dẫn đến khi mất việc làm phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm lao động.
Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc làm gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần...
Từ thực tế đó, theo ông Dung, cần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, tăng cường các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội,…
Nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già.
Sửa đổi quy định chính sách nhằm phù hợp, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận