08/06/2024 16:29 GMT+7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 2% kinh phí công đoàn cần kiểm toán, báo cáo Quốc hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: GIA HÂN

Ngày 8-6, thảo luận tổ về dự Luật Công đoàn sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết vấn đề kinh phí công đoàn được tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nhất trong quá trình sửa luật.

"Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần"

Theo ông Dung, kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng góp.

Nguồn kinh phí này thực hiện hai mục tiêu lớn là phục vụ, chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức công đoàn. Bởi, công đoàn hoạt động không lấy từ ngân sách nhà nước.

Ông cũng nêu rõ trong thực tiễn, chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam duy trì hình thức này. Còn lại các nước gần như không còn hình thức này.

"Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội, cần báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao. Phải báo cáo Quốc hội, tôi đề nghị thế...", ông Dung nêu rõ.

Theo bộ trưởng, kinh phí công đoàn phải có "kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán, kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra".

"Là một sắc thuế phải quản lý theo sắc thuế, chứ không phải nói "ào ào". Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng", ông Dung nói thêm.

Bộ trưởng dẫn lại dự luật về việc phân phối 2% kinh phí công đoàn. Kinh nghiệm các quốc gia có nhiều tổ chức của người lao động, họ thành lập ủy ban điều phối nguồn kinh phí.

Do đó, theo ông Dung, việc điều phối này nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết để linh hoạt, mềm dẻo, hài hòa, hiệu quả hơn. Không nên quy định cứng trong luật tỉ lệ chi tiết bởi càng quy định cứng càng khó xử...

Ông Nguyễn Đình Khang - Ảnh: GIA HÂN

Ông Nguyễn Đình Khang - Ảnh: GIA HÂN

Cần thiết duy trì mức đóng công đoàn 2%

Trước đó, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết hiện nay về kinh phí công đoàn, để lại công đoàn cơ sở 75% cho các công đoàn cơ sở trực tiếp chăm lo cho đoàn viên và người lao động, 25% phân phối cho ba cấp còn lại.

Theo ông Khang, thực chất cấp trên trực tiếp cơ sở lại quay trở lại chăm lo cho đoàn viên, người lao động vì sẽ có một số công đoàn cơ sở hoạt động không đủ thì cấp trên trực tiếp cơ sở sẽ điều tiết, cấp bổ sung lại.

"Như vậy, số trực tiếp chăm lo cho người lao động gần 84%. Còn lại để chi tiêu ba cấp công đoàn. Như vậy, cơ bản kinh phí công đoàn để chăm lo cho người lao động", ông Khang nói.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP.HCM) khẳng định và hoàn toàn ủng hộ quy định về duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2%.

Theo bà, nếu không duy trì quy định đóng kinh phí công đoàn 2%, có nghĩa công đoàn sẽ phải tính đến một nguồn lực khác để nhận hỗ trợ. 

Cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án quy định tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa các cấp công đoàn.

Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2: Xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Chánh án tán thành đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên ra giải quyết riêngChánh án tán thành đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên ra giải quyết riêng

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra với các cháu chưa thành niên phải theo người lớn. Điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên