27/10/2022 16:34 GMT+7

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: PHẠM THẮNG

Tiếp tục phần thảo luận chiều 27-10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) một lần nữa trăn trở về bất cập trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh trong bảo hiểm y tế.

Đại biểu TP.HCM cho rằng: "Do khó tăng nguồn thu (huy động người tham gia) nên bảo hiểm y tế làm cách dễ hơn là giảm chi bằng cách ép giá dịch vụ y tế, thuốc, vật tư y tế thấp nhất, không đúng giá của nó. Ép càng rẻ càng tốt, do đó rất khó để đảm bảo chất lượng. Ép giá rồi nhưng không phải dễ để thanh toán".

Bà Lan dẫn chứng từ năm 2020 đến 8 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện ở TP.HCM bị bảo hiểm y tế từ chối thanh toán tổng cộng 1.400 tỉ đồng chỉ vì vượt quá tổng mức thanh toán được duyệt. Điều này theo bà Lan rất vô lý vì việc vượt tổng mức là do số bệnh nhân tăng lên.

"Nói là thanh toán theo tổng định mức, nhưng nếu bệnh nhân đến khám thấp hơn tổng mức, bảo hiểm y tế có giữ mức thanh toán ấy hay trừ đi? Đến khi bệnh nhân tăng lại không có bù đắp nào cả. Trong khi hằng tháng, giám định bảo hiểm vẫn xem xét từng trường hợp khám, chữa bệnh để xem chi phí có đúng hay không", bà Lan nói và đề nghị phải khẩn cấp có các biện pháp tháo gỡ.

Trước hết, bà Lan đề nghị áp dụng tình thế cấp bách phải giảm bằng các nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội, nếu thiếu, ngân sách nhà nước phải chi bù. Về lâu dài, phải hoàn thiện các pháp luật liên quan, đặc biệt bảo hiểm y tế phải cân đối thu chi bằng hướng tiếp cận khác, tính toán đa dạng các nguồn thu như bảo hiểm y tế cơ bản và các bảo hiểm phụ.

Cùng với đó, quy định danh mục thanh toán phải theo tỉ lệ hợp lý, quá trình thanh toán phải đúng để đảm bảo chất lượng, thiếu thì ngân sách phải bù. Việc bù đắp phải thiết thực, không phải như hiện nay có những nguồn ngân sách chỉ có trên danh nghĩa, ví dụ 30% ngân sách địa phương chi cho y tế dự phòng nhưng không có địa phương nào làm được.

"Không biết đến khi nào cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn khám, chữa bệnh nhân tốt nhất, chứ không phải đối phó với quy trình mua sắm, thanh toán và nguy cơ bị xử lý hành chính, hình sự", bà Lan trăn trở.

Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh thời điểm này ngành y tế đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Vấn đề nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế do vướng mắc liên quan triển khai Luật bảo hiểm y tế và nghị định 146 còn những quy định chưa thống nhất.

Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Vì thế, hiện nay nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ, do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, dẫn đến việc mua sắm đấu thầu cũng khó khăn vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được.

Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, bộ trưởng cho biết có hai việc quan trọng: việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế, và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Bà Lan cho hay vừa qua do khó khăn, bất cập liên quan dịch COVID-19, doanh nghiệp không kịp chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, cơ quan không kiểm tra, đánh giá được thực tế, nhà máy ngừng sản xuất do giãn cách, đã ảnh hưởng đến việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế. 

Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết số 12 giải quyết để giải quyết những vấn đề liên quan. Đến nay Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến 31-12-2022, cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022.

"Vừa qua, dù nguồn cung ứng đảm bảo nhưng triển khai thực tiễn vướng mắc liên quan đấu thầu, cũng ảnh hưởng, khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ. Đến nay, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành công điện số 778 ngày 5-9 để tháo gỡ những khó khăn trong mua sắm đầu thầu thuốc và trang thiết bị y tế.

Bộ cũng phối hợp các bộ ngành sửa đổi Luật Dược và các thông tư liên quan. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy nhiều quy định đã rõ nhưng nhiều nơi còn lúng túng, bộ đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu", bộ trưởng Lan nói.

Chính sách xã hội hóa, tự chủ đang lệch hướng

z3833575411493_f1a10e519646e0cd0b542b1a905a920b

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: "Người dân hiện phàn nàn nhiều về chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhưng lãnh đạo, anh em y tế ở các bệnh viện cũng chia sẻ họ lực bất tòng tâm khi hiện nay thiếu tất cả, thiếu từ nhân lực, thuốc chất lượng và trang thiết bị điều tri, trang thiết bị hiện đại".

Bà Lan nhận định chính sách xã hội hóa, tự chủ đang bị triển khai lệch hướng. Theo bà, chính sách tự chủ là để mở rộng những cơ hội, nguồn đầu tư khác nhằm tăng chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân này tốt hơn.

Trong khi hiện nay thay vì tập trung tìm kiếm những nguồn thu khác, Nhà nước đã cắt những khoản để chi lương cho các bệnh viện tự chủ. Các bệnh viện tự chủ nhưng không tự chủ được cả về nhân lực và hành chính. Đặc biệt trong cơ chế mua sắm thuốc, trang thiết bị cho nên khó để bảo đảm hoạt động chất lượng và tốt nhất.

Bảo hiểm không thanh toán hơn 1.400 tỉ đồng, Sở Y tế TP.HCM nêu loạt nguyên nhân Bảo hiểm không thanh toán hơn 1.400 tỉ đồng, Sở Y tế TP.HCM nêu loạt nguyên nhân

TTO - Từ năm 2019 đến 2021, chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các bệnh viện tại TP.HCM không được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán do vượt mức 1.088 tỉ đồng. Còn 8 tháng đầu năm 2022 là 400 tỉ đồng.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên