Chiều 28-6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, chiều 28-6.
Trong phần thảo luận, một số đại biểu đề cập đến việc tỉ lệ cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá rất thấp.
Đồng thời đề nghị tăng tỉ lệ đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Trao đổi lại, ông Khánh cho hay quan điểm quản lý là sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia.
Cùng với đó đảm bảo được chiến lược về khoáng sản của quốc gia, an ninh về năng lượng quốc gia.
Một vài loại khoáng sản hiện phải để cho các tập đoàn nhà nước làm như than, bô xít, một số lĩnh vực khác và việc này để Chính phủ quy định.
Dù vậy thống nhất ý kiến đại biểu, ông Khánh cho hay sẽ rà soát lại. Những lĩnh vực đảm bảo vì lợi ích quốc gia, chiến lược, an ninh sẽ do Chính phủ quy định.
Các lĩnh vực còn lại sẽ tập trung để đấu giá, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả và tạo nguồn thu cao nhất.
Ngoài nội dung đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến liên quan đến việc phân nhóm khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: "Việc phân thành 4 nhóm khoáng sản sẽ giải quyết được những bất cập từ Luật Khoáng sản năm 2010".
Theo ông Khánh, hiện rất nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, những mỏ hiếm, quý giá và những mỏ đất đá đều như nhau.
Tức là khoáng sản hiện nay xem như một, cho nên quy trình, thủ tục thăm dò, đánh giá trữ lượng... như nhau. Việc này làm cho chậm đưa tài nguyên vào khai thác và có cả những bất cập trong quản lý.
Cơ bản đại biểu đồng tình chia thành 4 nhóm nhưng có đại biểu đề nghị cân nhắc nhóm 3 (khoáng sản làm vật liệu xây dựng) và nhóm 4 (khoáng sản, đất đá san lấp) có lẫn lộn, đan xen với nhau.
Ông Khánh cơ bản đồng tình với ý kiến này và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ rà soát lại trong việc phân nhóm, phân loại thế nào cho hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đại biểu cũng quan tâm đến việc phân cấp quản lý thế nào hiệu quả. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay: "Vừa qua chúng ta thấy có những phân cấp nhưng ở các địa phương quản lý không tốt. Hiện nay đã phân cấp và cùng với đó là phải tăng chế tài xử lý, kiểm tra, giám sát".
Theo ông Khánh, trong luật đã đưa vào là trách nhiệm, kể cả chủ mỏ, cơ quan nhà nước phải có một hệ thống giám sát việc khai thác mỏ.
Tức là chủ mỏ phải lắp hệ thống camera, hệ thống giám sát quan trắc để không khai thác ngoài ranh giới mỏ, khai thác quá chiều sâu mỏ, khai thác quá công suất mỏ gây ảnh hưởng đến môi trường so với giấy phép và được kết nối về cơ quan quản lý tài nguyên môi trường cấp tỉnh, cấp bộ.
"Như vậy có nghĩa là quan trắc và giám sát 24/24 và bây giờ có điều kiện dùng hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện việc giám sát này. Việc này có nghĩa phân cấp về cấp giấy phép, quản lý địa phương nhưng giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn, kể cả quản lý, giám sát về mặt môi trường", ông Khánh nói.
Đồng tình tăng ngân sách cho việc thăm dò khoáng sản
Một nội dung đại biểu ý kiến là cơ chế ưu tiên những doanh nghiệp đứng ra thăm dò. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay bởi nguồn ngân sách hiện chưa có đủ để thăm dò trữ lượng và từ đó đấu thầu, đấu giá.
Do vậy mới sinh ra việc phải sử dụng xã hội hóa và ngân sách của doanh nghiệp. Ông Khánh đồng tình đề nghị của đại biểu phải quan tâm bố trí ngân sách nhà nước cho việc thăm dò.
"Tôi cũng mong muốn rằng ngân sách dùng cho khoáng sản chiến lược, khoáng sản kim loại, khoáng sản nhóm 1, nhóm 2. Nếu như vậy Nhà nước sẽ bỏ tiền ra thăm dò trữ lượng đầy đủ và đứng ra đấu thầu, đấu giá, trừ những nơi đảm bảo an ninh quốc phòng", ông Khánh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận