05/12/2017 15:49 GMT+7

Bộ trưởng cũng bức xúc 15.000 tỉ đồng phí kiểm tra chuyên ngành

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Phí kiểm tra chuyên ngành lên tới 15.000 tỉ đồng/năm, thái độ cửa quyền của công chức... không chỉ doanh nghiệp mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng bức xúc.

Bộ trưởng cũng bức xúc 15.000 tỉ đồng phí kiểm tra chuyên ngành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng (bìa trái) thừa nhận chi phí kiểm tra chuyên ngành lên đến 15.000 tỉ đồng/năm khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh - Ảnh: HỮU KHOA

73% doanh nghiệp cho rằng rào cản lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà. Bộ trưởng - chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa nhận dù Chính phủ đã cải cách nhưng quá trình thực thi có nơi… đi ngược tinh thần chỉ đạo.

Đó là nội dung được đưa ra tại hội nghị đối thoại do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (PSDC) tổ chức chiều 4-12 tại TP.HCM.

Ông Trương Gia Bình - trưởng ban PSDC - cho biết điều khiến các doanh nghiệp phiền lòng nhất hiện nay khi được hỏi vẫn chính là thủ tục hành chính rườm rà, cùng với thái độ cửa quyền của cán bộ nhà nước khi làm việc với doanh nghiệp.

Dẫn kết quả khảo sát trước thềm hội nghị của PSDC, ông Bình cho biết có đến 73% doanh nghiệp được hỏi vẫn nói rào cản lớn nhất là thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp. 64% doanh nghiệp cho rằng thái độ cửa quyền của cơ quan công quyền gây bức xúc. 

Trong khi đó, 46% doanh nghiệp thấy sự chồng chéo giữa cơ quan nhà nước vẫn tiếp diễn.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đánh giá dù Thủ tướng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để cải cách các cơ chế, chính sách thủ tục hành chính "nhưng sự chuyển biến chậm chạp về tư duy, hành động của các cấp quản lý, đặc biệt ở cấp chính quyền địa phương vẫn còn rất phổ biến".

Lấy ví dụ về việc các doanh nghiệp phải mất đến 15.000 tỉ đồng/năm chỉ vì chi phí kiểm tra chuyên ngành (khi thực hiện xuất nhập khẩu, như kiểm dịch, kiểm tra hàm lượng một số loại hóa chất...), ông Dũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó lòng cạnh tranh được với doanh nghiệp các nước chỉ vì "sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ và thiếu cơ chế liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính nhà nước".

Mặt khác, các quy định về thủ tục hành chính, dù Chính phủ đã nỗ lực cải cách nhưng quá trình thực thi còn nhiều méo mó, đi ngược tinh thần chỉ đạo, cũng góp phần không nhỏ vào việc gia tăng gánh nặng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

"Sự lạm dụng pháp luật và tùy nghi trong ứng xử của cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều", ông Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn - nói việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phản ảnh các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa phù hợp, gặp quá nhiều khó khăn trong tiếp cận các cơ chế ưu đãi "là hoàn toàn chính xác".

Đơn cử, để xin được một chính sách ưu đãi nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, "các doanh nghiệp phải qua 16 bước, với 40 thủ tục". 

"Nói thật là vẫn còn rất nặng về cơ chế xin cho" - ông Tuấn nói.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên