Để gà có màu vàng đẹp mắt, nhiều người bán đã nhuộm gà bằng hóa chất nhuộm vải |
* Ông Trần Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai:
Không thể nói tất cả thực phẩm đều an toàn
Trong ba tháng đầu năm 2016, Đồng Nai lấy mẫu ở 80 trại, kiểm tra nhanh phát hiện 10 mẫu dương tính với chất cấm, mức độ sử dụng chất cấm có giảm so với năm trước nhưng không thể nói tất cả thực phẩm đều an toàn.
Đây là một cuộc chiến, các ngành phải kiểm tra kiểm soát thường xuyên và tạo chuỗi chăn nuôi an toàn để giúp người tiêu dùng nhận ra những sản phẩm sạch có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng...
Cá nhân tôi đi mua sản phẩm ngoài thị trường cũng suy nghĩ sản phẩm đó có bẩn không và tìm mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
* Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản:
Thực tế khác hẳn với lời Bộ trưởng Cao Đức Phát
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Ảnh: L.N.Minh |
Với tư cách là người tiêu dùng, tôi nghĩ thực tế khác hẳn với những gì mà Bộ trưởng Cao Đức Phát nói. Tôi không an tâm khi mua thực phẩm ngoài chợ.
Theo tôi, cần phải xem lại cách lấy mẫu của Bộ NN&PTNT đã hợp lý hay chưa và xem lại cả chất lượng phân tích bởi ở VN có hiện tượng “bán giấy lấy tiền” khi một đơn vị nào đó đi phân tích chất lượng.
Hơn nữa, cách quản lý thực phẩm bằng cách lấy mẫu phân tích như Bộ NN&PTNT đang áp dụng đã lạc hậu và thiếu chính xác.
Thế giới người ta đã chuyển qua kiểm soát dựa trên hệ tiêu chuẩn chất lượng, tức là kiểm soát quy trình sản xuất chứ không ai đi kiểm soát bằng cách lấy mẫu phân tích.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp phải có các quy trình quản lý chất lượng tương ứng như VietGAP, Global GAP hay hữu cơ, còn chế biến thực phẩm cần HACCP hay bộ tiêu chuẩn nào khác. Kiểm soát theo quy trình vừa đỡ tốn kém và cũng hiệu quả hơn.
* Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên):
Chủ quan, không thuyết phục
Đại biểu Nguyễn Thái Học - Ảnh: Việt Dũng |
Đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, theo tôi, là hơi chủ quan. Thực tế các vụ việc có liên quan đến thực phẩm bẩn, từ địa phương báo lên rồi báo chí nêu rất nhiều.
Để xác định thực phẩm bẩn nhiều hay ít và ở mức độ nào, các cơ quan phải có quá trình tổng hợp rồi xác định. Còn đưa ra con số và nhìn nhận ngay như thế là hơi chủ quan.
Người dân không thể hiểu và nhớ các con số như bộ trưởng nói, người ta thấy thực phẩm nào đó chưa an toàn thì có quyền lo nghĩ là không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phản ảnh.
Còn ở mức độ nào thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng. Bộ trưởng đưa ra một dẫn chứng, một kết quả đánh giá khảo sát để xác định là “đa số thực phẩm an toàn” nhằm giúp người dân yên tâm nhưng theo tôi, người dân chưa thể yên tâm được như mong muốn của bộ trưởng.
Việc tuyên truyền để dân hiểu và tin thực phẩm làm ra đạt yêu cầu an toàn, như bộ trưởng nói, cũng rất khó vì chưa có một cơ sở nào để đánh giá thuyết phục là thực phẩm mà người dân sử dụng an toàn đến mức độ nào. Mặt hàng nào, sản xuất ở địa phương nào an toàn?
Chưa có những địa chỉ cụ thể, đánh giá cụ thể. Sản phẩm vẫn được lưu hành trên thị trường, người dân vẫn sử dụng, lo là đúng rồi. Dân lo lắng mà người có trách nhiệm chỉ nói một câu như thế thì không thể thuyết phục họ.
* Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam):
Làm sao dân tin và an tâm được
Đại biểu Lê Văn Lai - Ảnh: Việt Dũng |
Tôi thấy ông - bí thư Thành ủy TP.HCM, bộ trưởng Bộ GTVT - nói rất đúng trong cuộc họp của Chính phủ: “Nói làm tốt nhưng sao dân cứ phải ăn bẩn?”.
Tôi nghĩ không nên nói mình đã làm tốt mà phải đi đến chỗ người dân để xem có tốt không, trong bữa ăn, trong tất cả các sinh hoạt, rồi mới trả lời.
Chứ còn ban hành nhiều thông tư, ra nhiều quyết định, làm hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng người dân vẫn phải nhận hậu quả của thực phẩm bẩn thì vô nghĩa.
Cá nhân tôi là đại biểu cũng như tất cả người dân, không ai không lo về thực phẩm bẩn. Qua phương tiện thông tin đại chúng thấy ghê gớm quá, tác hại lớn quá.
Nên với một khối lượng công việc đồ sộ, tình hình phức tạp như thế thì bộ trưởng không thể nói một câu, rồi một sớm một chiều mà bảo dân tin ngay được.
Vì một vấn đề hệ lụy nào đó của xã hội để có thể cải thiện được niềm tin còn dựa vào trình độ phát triển của xã hội, trình độ kinh tế, nhận thức... mới có thể tạo ra sự yên tâm. Còn bây giờ thực tế như vậy, bộ trưởng chỉ nói mấy phút làm sao người dân tin và yên tâm ngay được.
* Ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT: Tỉ lệ thực phẩm không an toàn chỉ chiếm 5-10% (?) Số lượng và cách lấy mẫu các loại nông sản thực phẩm trong thời gian qua rải đều ở các chợ, cánh đồng rau, siêu thị... chứ không tập trung vào các siêu thị hiện đại. So với tổng kết cuối năm 2015, tỉ lệ các mẫu vi phạm đã giảm đáng kể do đợt kiểm tra trước trùng với thời điểm chuẩn bị và tiêu dùng dịp tết nên để đưa sản phẩm nhanh ra thị trường, một số đối tượng đã tăng cường sử dụng các loại hóa chất vượt mức cho phép. Trong ba tháng đầu năm 2016, các cơ quan chức năng thuộc Bộ NN&PTNT đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nên các hành vi này cũng giảm. Riêng đối với chất tạo nạc, chỉ có ở TP.HCM, Đồng Nai và Tiền Giang phát hiện vi phạm, các địa phương khác đã không còn nữa. Tỉ lệ nông sản mất an toàn chỉ chiếm khoảng 5-10%, còn lại 90-95% là đảm bảo an toàn, tức là sản phẩm được cách ly đúng theo quy định và không vượt ngưỡng hóa chất cho phép. Tuy nhiên thời gian qua, các cơ quan chức năng chưa chỉ rõ cho người dân biết những điểm bán sản phẩm an toàn nên gây ra hoang mang lo lắng cho người dân. Thời gian tới, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tăng cường thông tin về các điểm bán an toàn này cho người dân biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận