20/12/2014 09:37 GMT+7

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đang làm rõ vụ “ban phát đất rừng”

BÁ SƠN thực hiện
BÁ SƠN thực hiện

TT - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa có buổi làm việc tại Bình Phước về công tác nông nghiệp, nông thôn...

Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: Bá Sơn

Bên lề buổi làm việc ngày 18-12, chúng tôi đã trao đổi với ông Cao Ðức Phát về vụ “ban phát đất rừng cho quan chức” tại Bình Phước mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.

* Vừa qua, Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan đã nêu tại một số tỉnh xảy ra tình trạng giao đất rừng không đúng đối tượng. Còn tại Bình Phước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra, báo cáo về việc báo chí phản ánh UBND tỉnh “ban phát” đất rừng không đúng cho cán bộ. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Phước ngày 17-12, bộ trưởng đã có chỉ đạo thế nào về vấn đề này?

- Trong đợt công tác này, chúng tôi không đi sâu vào những vấn đề cụ thể như việc giao đất, giao rừng.Tuy nhiên, tôi cũng đã được thông báo về yêu cầu của Chính phủ, và tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra.

* Sự việc “ban phát đất rừng” ở Bình Phước được Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra đã một tháng nay. Tại buổi làm việc vừa qua, bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cũng đã có báo cáo với bộ trưởng, ý kiến của bộ trưởng như thế nào?

- Tôi nghĩ vấn đề này có một quá trình lịch sử, nên để xác định rõ đúng - sai ở đây cần phải rà soát toàn bộ quá trình lịch sử. Trên cơ sở đó chúng tôi mới có thể phát biểu được một cách cụ thể.

* Nếu sau này việc kiểm tra đúng như báo chí phản ánh là có việc giao đất rừng cho cán bộ thuê không đúng đối tượng thì trong xử lý có thu hồi lại đất rừng hoặc kỷ luật cán bộ làm sai không?

- Việc thu hồi hay không phải tùy theo từng trường hợp cụ thể, xem xét trong quá trình lịch sử để có phương án xử lý phù hợp. Tất nhiên những cá nhân có vi phạm luật pháp thì phải xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Một vạt rừng Tà Thiết tại huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã bị chuyển sang trồng cao su - Ảnh: Bá Sơn

* Tình trạng chuyển đất rừng tự nhiên sang trồng cao su khá phổ biến tại nhiều địa phương. Cụ thể, tại Bình Phước vào năm 2002 có tới 127.800ha rừng tự nhiên thì đến năm 2013 chỉ còn 58.600ha. Quan điểm của bộ trưởng về việc này như thế nào?

- Có một giai đoạn Chính phủ chủ trương cho chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su để tạo công ăn việc làm cho người dân. Mặt khác, cây cao su dù không bằng rừng tự nhiên nhưng cũng có tác dụng nhất định trong việc phủ xanh đồi núi trọc.

Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện, bên cạnh mặt được, chúng tôi phát hiện những mặt chưa được nên đã có báo cáo Thủ tướng chỉ đạo dừng việc chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su; yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh.

Tới nay chỉ đạo đó vẫn còn hiệu lực. Nhưng có một số địa phương có báo cáo về một số yêu cầu cấp thiết, ví dụ chuyển đổi đất có rừng tự nhiên nghèo kiệt để lấy đất sản xuất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở...

Trong từng trường hợp cụ thể, chúng tôi cùng các địa phương kiểm tra, xác định rõ tình trạng của rừng các khu vực đó, yêu cầu cấp thiết như thế nào để có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

* Với Bình Phước, căn cứ nào để vừa rồi Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ cho phép chuyển đổi 2.000ha rừng Tà Thiết sang rừng sản xuất để trồng cao su? Trong khi tổng diện tích 12.500ha của cánh rừng này tới nay đã có 8.000ha trồng cao su, sắp tới chỉ còn khoảng 1.000ha “vùng lõi” do có căn cứ di tích cách mạng là không bị chuyển đổi?

- Ðối với Bình Phước, tôi có nhớ đã giao cơ quan chức năng của bộ phối hợp với địa phương kiểm tra tình hình thực tế trên địa bàn, cộng với đánh giá yêu cầu của địa phương để thống nhất báo cáo Chính phủ cho chuyển đổi một số khu rừng.

Tuy nhiên, với khu rừng cụ thể tôi không nhớ rõ. Trường hợp (rừng Tà Thiết mà phóng viên hỏi) này phải kiểm tra lại kỹ. Cái đó cũng đã được cân nhắc rất kỹ giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của bộ.

Tỉ lệ đất rừng xin chuyển đổi để cấp cho dân không lớn

 

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, trong số 9.160ha của 17 dự án mà tỉnh Bình Phước xin chuyển đổi đất rừng hầu hết nhằm để giao các tổ chức, công ty trồng cao su. Trong văn bản ngày 10-1-2014 tham mưu cho Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ đồng ý cho Bình Phước chuyển đổi sáu dự án với diện tích 3.033ha. 11 dự án còn lại, bộ yêu cầu Bình Phước tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ.

Trong 17 dự án nói trên, chỉ có bốn dự án với diện tích 365ha có tính chất cấp bách để ổn định dân cư, cấp đất sản xuất cho khoảng 400 hộ dân không có đất sản xuất tại một số huyện.

Ngoài ra, còn một dự án tạo quỹ đất ổn định dân cư, cấp đất sản xuất cho các hộ dân không có đất sản xuất của toàn tỉnh Bình Phước với diện tích 330ha. Như vậy, nếu cộng cả năm dự án thì cũng chỉ có 695ha dành để ổn định dân cư, cấp đất sản xuất cho các hộ thiếu đất - con số quá nhỏ so với hàng ngàn hecta giao các tổ chức, công ty trồng cao su. Trong khi đó tính tới tháng 7-2014, toàn tỉnh Bình Phước còn tới hơn 8.000 hộ thiếu đất sản xuất, có nhu cầu cần hơn 6.148ha nhưng chưa có đất để giao các hộ dân này.

 

BÁ SƠN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên