Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Việt Dũng |
Theo ông Vinh, thông tin đầu vào quyết định sự chính xác của số liệu công bố, ví dụ “có nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì”.
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng thông tin thống kê nếu muốn chính xác phải khách quan, đồng thời đề nghị phải có biện pháp chế tài người cung cấp số liệu sai cho cán bộ thống kê.
525.000 doanh nghiệp hoạt động, 320.000 doanh nghiệp nộp thuế?
Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), “hoạt động thống kê có vai trò hết sức quan trọng, đó là cung cấp thông tin thống kê cho yêu cầu nhận diện, đánh giá đúng thực trạng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, dự báo xu hướng phát triển để trên cơ sở đó giúp Quốc hội, Chính phủ hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách, quản lý, điều hành, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức và cá nhân”.
Do đó ông Vở đề nghị sửa đổi luật này phải “khắc phục tình trạng làm đẹp con số, chạy theo thành tích”.
“Hằng năm chúng ta nhận được rất nhiều số liệu thống kê quốc gia do Tổng cục Thống kê điều tra công bố, nhưng dư luận xã hội của người dân vẫn rất băn khoăn.
Tôi lấy ví dụ như chỉ tiêu về thất nghiệp, chỉ tiêu GDP hằng năm của quốc gia, số liệu các doanh nghiệp (DN) của chúng ta hiện nay cũng có vấn đề. Chẳng hạn, DN đăng ký hoạt động khoảng 600.000, hoạt động là 525.000, nhưng nộp thuế chỉ có 320.000, đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 170.000” - đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) lên tiếng.
Ông Lợi đặt vấn đề phải có cơ quan thẩm định lại số liệu của Tổng cục Thống kê.
“Tôi đề nghị dự thảo luật cần bổ sung một quy định về hội đồng quốc gia tư vấn về chính sách và đánh giá thông tin thống kê. Đến nay có ít nhất 91 quốc gia, vùng lãnh thổ thành lập hội đồng thống kê quốc gia” - ông Lợi nói.
Có ý kiến đề nghị cơ quan thống kê quốc gia phải độc lập, thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ, không nên để trực thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư như hiện nay.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) không nghĩ như vậy: “Tôi nghĩ chúng ta đã có nhiều định chế độc lập, nhưng muốn độc lập thì có bốn điều kiện phải phấn đấu. Thứ nhất, những cơ quan và cá nhân phải có tiêu chí là ý thức về tuân thủ pháp luật cao.
Thứ hai là phải dũng cảm, có bản lĩnh để thực thi công vụ mà không bị chi phối. Thứ ba là có đủ kiến thức để bảo đảm được sự độc lập của mình. Thứ tư là khách quan, đó là điều kiện vật chất để bảo đảm. Tôi cho rằng những vấn đề này chúng ta phải phấn đấu chứ không tùy thuộc ai”.
“Rất nhiều nhà nhưng chả khai gì”
“Chúng ta không băn khoăn về phương pháp tính của chúng ta, chỉ băn khoăn về số liệu đầu vào có chính xác không. Cán bộ thống kê không có lợi ích gì về việc số nhiều hay số ít” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lên tiếng.
Ông đồng ý luật này phải quy định chế tài trách nhiệm người cung cấp số liệu cho cán bộ thống kê.
“Các đại biểu đều biết là nhiều người có rất nhiều nhà nhưng chả kê khai gì, nhà của họ toàn đứng tên con cái, thậm chí đứng tên con cái cũng không khai nữa. Cho nên số liệu về nhà ở tính vào chưa chắc đã đúng. Chính đại biểu chúng ta trong này có khi nhiều người cũng chẳng kê khai, nói gì đến nhân dân. Đầu vào không chính xác thì đừng nói đến số liệu chính xác” - ông Vinh nêu ví dụ.
Ông Vinh cũng cho biết hiện trong số 185 chỉ tiêu thống kê thì Bộ Kế hoạch - đầu tư chỉ công bố 70 - 80, còn lại là các bộ, ngành tự thống kê.
“Nếu nói rằng để các bộ, ngành chuyên môn công bố sẽ khách quan hơn thì tôi không đồng ý. Bởi tôi cho rằng cái ông làm ra thành tích ấy thì thường con số không khách quan do người ta vẫn muốn con số đẹp hơn. Vì vậy mới cần thống kê độc lập để có con số chính xác” - ông Vinh bày tỏ.
Khẳng định với vai trò bộ trưởng, mình không chỉ đạo bóp méo con số thống kê, ông Vinh giải thích: “Các con số thống kê của chúng ta chắc là không thể chính xác tuyệt đối được, nhưng không đến mức méo mó như nhiều người đang nghĩ. Các phương pháp thống kê mà chúng ta sử dụng là những phương pháp được thế giới thừa nhận”.
Lý giải về nguyên nhân làm đại biểu Quốc hội và dư luận nghi ngờ con số thống kê, ông Vinh cho biết hiện nay VN có ba loại số liệu. Thứ nhất là số liệu ước tính, phục vụ công tác điều hành, hằng tháng đều phải ước tính.
Thứ hai là số liệu thống kê sơ bộ, ví dụ Chính phủ họp vào tuần cuối của tháng thì khi đó làm gì đã có số liệu tuần cuối cùng của tháng đó nên các số liệu thống kê trong ba kỳ chưa được thẩm định, vì vậy chưa thật sự chính xác. Thứ ba là số liệu thống kê chính thức công bố cuối cùng mới là con số chính xác, số liệu này thường được công bố vào tháng 6 của năm sau.
“Vì chúng ta cứ phải công bố hằng tháng như vậy, đến khi công bố chính thức có điều chỉnh con số cuối cùng khác nhau làm đại biểu Quốc hội nghi ngờ là thế, chứ nếu cứ công bố như thông lệ quốc tế là tháng 6 năm sau công bố niên giám thì chắc không ai có ý kiến gì đâu” - ông nói.
* Ông Bùi Quang Vinh (bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư): Không nên đưa chỉ tiêu CPI vào kế hoạch hằng năm “Nhiều nước có cơ quan dự báo riêng và dự báo thì thay đổi xoành xoạch. Chẳng hạn tháng trước WB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 3,4%, nhưng tháng sau lại đưa ra dự báo 3,7%, trong khi chúng ta dự báo trước cả năm trời. Ví dụ, hôm nay ngồi đây nhưng dự báo CPI (chỉ số tăng giá) cho cuối năm 2016. Hôm nọ tôi báo cáo Thủ tướng là không nên đưa chỉ tiêu CPI vào kế hoạch hằng năm và năm năm nữa, bởi CPI không phụ thuộc vào chúng ta mà phụ thuộc cả thế giới. Giá dầu giảm xuống 40 USD là CPI cả thế giới giảm ngay, chúng ta làm sao biết được giá dầu tăng giảm thế nào, vậy mà ngồi đây dự báo CPI đến cuối năm 2016 thì không có căn cứ nào hết” - ông Vinh cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận