Phóng to |
Rất đông phóng viên đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu về vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông - Ảnh: Mai Hương |
Sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia buổi thảo luận tổ của đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM. Trong giờ giải lao, rất đông phóng viên các báo đề nghị bộ trưởng phát biểu về vụ bác sĩ vứt xác bệnh nhân xuống sông nhưng bà Tiến kiên quyết xua tay từ chối.
Sau đó, trong phần phát biểu tại tổ, bà đã đề cập một chút đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế và không quên góp ý báo chí.
Bà Tiến nói: báo chí là một kênh giúp kinh tế xã hội phát triển, phát hiện những cái sai, tiêu cực, đấu tranh và phản ánh kịp thời. Tôi cho rằng nhà báo hiện nay rất năng động, nghiệp vụ lại cao. Thế nhưng chúng ta thấy quá nhiều phản ánh tiêu cực.
Trong chiến tranh, thanh niên ba sẵn sàng của ta có rất nhiều người hy sinh. Hệ thống tuyên truyền của ta lúc đó chỉ có đài tiếng nói chứ chưa có tivi, cộng với một ít báo nhưng đã dấy lên lòng yêu nước, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc và cống hiến.
Báo chí hiện nay ngoài nêu tiêu cực thì hãy nêu gương tốt và làm sao để nêu lên được khát vọng cháy bỏng. Tôi thấy như trên báo Tuổi Trẻ có những gương, những hiến kế, những diễn đàn.
Tôi cho rằng báo chí cần có những định hướng đúng để xã hội thấy những cái dở nhưng cũng phải thấy những cái tốt, nổi bật lên được khát vọng làm giàu chính đáng để xây dựng đất nước.
Chúng ta đã thành công rất nhiều trong chiến tranh giải phóng dân tộc ở khâu truyền thông giáo dục tư tưởng. Nên tôn vinh hơn nữa cái tốt, khuấy lên phong trào làm giàu chính đáng, yêu nước và cống hiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi thảo luận tổ sáng 24-10 - Ảnh: Mai Hương |
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong thời gian qua phải nói là một sự báo động rất lớn. Chúng tôi cũng hết sức đau đớn, xót xa trong chuyện này thời gian vừa rồi. Với trách nhiệm trong ngành, tôi cảm thấy rất nặng nề.
Chúng tôi đã có cố gắng rất lớn và hiện đã ra một loạt các văn bản, chỉ thị, tập huấn đến 6.000 cán bộ. Vấn đề này phải có chế tài và chúng tôi đang xây dựng một thông tư.
Nhưng cái này không chỉ hướng đến ngành y tế mà phải toàn xã hội tập trung hỗ trợ, lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, không riêng gì trong ngành y mà là những hành động thiếu đạo đức của con người nói chung.
Chuyện này với ngành y thì càng phải nâng cao. Phải có những chế tài nghiêm túc. Cái này chúng tôi đang tìm mọi biện pháp, kể cả giáo dục, kể cả vấn đề cơ chế tài chính và vấn đề về pháp luật nhưng không thể làm được trong một sớm một chiều và cả xã hội phải đồng tâm, đồng lòng để xây dựng đạo đức xã hội nói chung và đạo đức ngành y tế nói riêng.
Chúng tôi hết sức đau xót, khổ tâm và day dứt. Chúng tôi đang tìm mọi biện pháp với mọi chuyên gia để giải quyết vấn đề này, cũng mong là hệ thống truyền thông làm sao giúp cái tốt nhân lên, nhưng với cái xấu phải hết sức nghiêm khắc và giải quyết theo đúng pháp luật, không bao che. Chúng tôi biết là người dân than phiền. Chúng tôi chứng kiến điều đó và hiện đang nỗ lực.
* Đọc thêm:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận