Sáng 8-7, chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết từ nay đến cuối năm, bộ này sẽ tập trung tham mưu sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vào năm 2025.
Không để ai chịu thiệt thòi khi cải cách tiền lương
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trà đã biểu dương những kết quả quan trọng mà ngành nội vụ đạt được trong 6 tháng đầu năm. Trong đó ngành nội vụ đã tham mưu thực hiện chính sách cải cách tiền lương một cách thận trọng, từng bước, chặt chẽ, bài bản, tạo sự phấn khởi trong xã hội.
Chính sách đã đáp ứng được kỳ vọng của các đối tượng, không để ai ở lại phía sau, không để ai phải thiệt thòi trong các chủ trương, chính sách, nhất là về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp.
"Bước đầu là cải cách tiền lương, nhưng sau đó phải tiếp tục thực hiện phục vụ quản lý vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng nền công vụ" - bà Trà nói.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã đạt được thành công bước đầu, giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế và vướng mắc phát sinh.
Nghị định 73 chưa đủ để khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm
Bên cạnh kết quả đạt được, bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập. Hệ thống thể chế hiện vẫn chưa đồng bộ, nhất quán và còn sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định. Vẫn còn tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai.
Vừa qua ngành nội vụ đã tham mưu hoàn thiện nhiều quy định pháp luật nhưng vẫn chưa đủ pháp lý để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nghị định 73 của Chính phủ hiện vẫn chưa vượt được các quy định của pháp luật có liên quan. Ngoài ra, văn hóa công vụ ở một số nơi hiện vẫn chưa đạt yêu cầu.
6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vào năm 2025 nhằm hóa giải những vướng mắc, khuyến khích cán bộ, ngăn chặn tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Bà Trà yêu cầu đẩy lùi tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi".
Đồng thời phải có cơ chế khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, xuất sắc trong cơ quan, đơn vị.
Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm và phát huy cao độ vai trò của người đứng đầu trong hệ thống hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó cần tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Địa phương nào không thực hiện xong thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.
"Đến 30-6, tất cả địa phương thuộc diện sắp xếp phải kết thúc để bộ báo cáo về Bộ Chính trị, không thể chậm được", bà Trà yêu cầu và cho biết hiện còn 25 địa phương chưa hoàn thành.
Theo bà Trà, hiện nay một số địa phương có dấu hiệu chần chừ, chậm trễ tiến độ. Bộ Nội vụ tới đây sẽ làm việc với một số địa phương hiện còn chậm trễ, chưa gửi hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Tập trung giảm 5% biên chế công chức
Bà Trà cho biết sẽ tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước.
Trước mắt là tập trung giảm 5% biên chế công chức. Với viên chức thì tham mưu các cơ chế tốt hơn để thúc đẩy xã hội hóa, đẩy mạnh tự chủ.
Ngành nội vụ cũng cần có giải pháp nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân sự gắn với vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền công vụ. Ngoài ra cần tham mưu các cơ chế, chính sách tốt nhất để thu hút và trọng dụng người có tài năng tham gia khu vực công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận