Học sinh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chuẩn bị cho việc trở lại trường tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho rằng dạy học trực tuyến nhưng vẫn dựa vào chương trình trực tiếp nên gây áp lực cho cô và trò. Đại biểu Ánh đặt vấn đề bộ sẽ điều chỉnh chương trình học thế nào cho phù hợp để không lệch, hổng kiến thức?
Không nhồi nhét khi học sinh trở lại trường
Trao đổi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay bộ đã hai lần tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình dạy học trong điều kiện dịch bệnh, xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản để dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình.
Dạy trực tuyến sẽ bám theo chương trình cốt lõi, củng cố và mở rộng thêm khi học sinh quay lại trường. "Các nội dung kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dựa vào nội dung cốt lõi, không phải bê nguyên xi chương trình bình thường bên ngoài vào dạy trực tuyến" - ông Sơn khẳng định.
Trước trăn trở về giải pháp khi học sinh trở lại trường, Bộ trưởng Sơn cho hay nhà trường sẽ củng cố, mở rộng kiến thức ngay cho học sinh dựa theo nội dung chương trình cốt lõi. Giáo viên phải làm các đánh giá kiến thức phân học sinh ra các nhóm để hỗ trợ, tránh tình trạng lệch về kiến thức và kỹ năng.
"Khi học sinh quay trở lại trường, việc đầu tiên đừng lôi các em ra đánh giá xem được gì trong đầu ngay, đừng căng thẳng quá, mà đầu tiên phải cho các em làm quen lại với trường học. Học cách tự phòng chống dịch, làm quen lại với môi trường.
Khi lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái, rồi sau đó hãy bắt đầu, chứ đừng nhồi nhét ngay và không quẳng ngay vào trong tay các em các loại phiếu khảo sát, các loại đánh giá" - bộ trưởng chia sẻ.
Trăn trở khi có 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học trực tuyến, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) hỏi giải pháp khắc phục. Bộ trưởng Sơn nêu thực tế có tới gần 1,9 triệu học sinh không có thiết bị, nên ông mong lãnh đạo các địa phương chia sẻ quan tâm, bởi một phần các cháu đang dần dần bỏ học vì không học được.
Giải quyết thấu đáo việc dạy thêm
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu chất vấn, tranh luận là việc dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: "Bình thường đã cần phải ngăn, trong khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung càng là công việc chúng ta cần phải lên án. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra".
Dù đồng ý phải cấm dạy thêm khi học trực tuyến nhưng đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) tranh luận căn nguyên vấn đề này là xuất phát từ thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một việc mưu sinh. Qua 2 năm đại dịch giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.
Tương tự, so sánh với việc bác sĩ mở phòng khám riêng, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng: "Nếu giáo viên dạy thêm mà không dạy trước chương trình, chỉ dạy kèm học sinh giỏi, bồi dưỡng... cũng nâng cao tay nghề và tăng thu nhập thì vấn đề đặt ra là bộ cần nghiên cứu quy định, hướng dẫn để đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu thực tế".
Trao đổi lại, Bộ trưởng Sơn cho hay: "Các sở đều có văn bản quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm. Sắp tới bộ sẽ rà soát thêm nội dung này để giải quyết thấu đáo vấn đề dạy thêm, học thêm".
* PGS.TS Ngô Minh Xuân (chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch):
Hậu kiểm thường xuyên đào tạo ngành sức khỏe
Khối ngành sức khỏe, nhất là ngành y và sư phạm là những ngành đặc thù, có ảnh hưởng lâu dài cho các thế hệ sau này.
Do đó, việc đưa ra các điều kiện bắt buộc về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị thực hành, cơ sở thực tập khi mở ngành là tối cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tôi đồng ý với quan điểm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện mở ngành. Bên cạnh đó, việc hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên để kiểm soát điều kiện đảm bảo chất lượng.
* PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):
Can thiệp tuyển sinh là xâm phạm quyền tự chủ của trường
Tôi cho rằng bộ trưởng chưa phân tích hết các nguyên nhân dẫn đến nhiều thí sinh điểm rất cao vẫn rớt ĐH trong kỳ tuyển sinh vừa qua.
Một trong những nguyên nhân bộ trưởng đưa ra để giải thích cho tình huống này đó là do các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT không còn nhiều dẫn đến rủi ro cho người học.
Theo tôi, việc các trường sử dụng nhiều phương thức là quyền tự chủ của các trường, đa dạng hình thức tuyển sinh giúp thí sinh có nhiều lựa chọn hơn khi xét tuyển, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 nhiều thí sinh không dự thi tốt nghiệp THPT được.
Vì khoảng 200 em điểm cao rớt ĐH năm nay mà bộ trưởng cho rằng bộ sẽ rà soát, không nên có quá nhiều phương thức xét tuyển trong một cơ sở giáo dục ĐH là can thiệp vào công tác tuyển sinh, quyền tự chủ của trường theo luật định. Như vậy là phạm luật.
* Ông Trương Minh Đức (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM):
Tôi không đồng tình!
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói vẫn phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vì luật đã quy định nên không bỏ được.
Tôi thì cho rằng luật là do con người tạo ra, luật phải phù hợp với cuộc sống thực tế, nếu không còn phù hợp nữa thì cần thay đổi. Thế nên, chúng ta không nên suy nghĩ và thực hiện máy móc theo luật, chúng ta hãy làm, hãy thay đổi vì học sinh.
Bộ trưởng nói thi THPT quốc gia để đánh giá học sinh. Nhưng tôi nghĩ việc đánh giá quá trình học tập trong suốt 3 năm của học sinh thông qua bài thi THPT quốc gia là không chính xác.
Ngoài ra, bộ trưởng nói phải thi THPT quốc gia để các trường ĐH lấy kết quả của kỳ thi làm căn cứ tuyển sinh. Tôi lại thấy những năm gần đây, các trường ĐH đã sử dụng nhiều phương án tuyển sinh khác nhau. Ngay như học trò của tôi, rất nhiều em thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT vì trước đó các em đã đậu ĐH bằng phương án xét tuyển khác rồi.
* ThS Nguyễn Văn Phúc (hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM):
Dạy thêm là chính đáng!
Một số vấn đề bộ trưởng Bộ GD-ĐT trả lời theo hướng lặp lại thực trạng chứ chưa đi vào các giải pháp cụ thể như vấn đề dạy thêm - học thêm.
Hiện nay, việc cho con đi học thêm là nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh, học sinh. Nguyên nhân chính học sinh
phải đi học thêm là từ chương trình và cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Thế nhưng, Bộ
GD-ĐT lại cấm giáo viên dạy thêm trong khi đây là phương pháp làm thêm rất chính đáng của người giáo viên.
M.GIẢNG - H.HG. ghi
* Phụ huynh Nguyễn Vĩnh Nguyên (quận 7, TP.HCM):
Phải dọn sạch "rác và sạn" sách giáo khoa
Nhân viên soạn sách giáo khoa cho khách hàng đăng ký mua trực tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG
Trả lời đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) về vấn đề sách giáo khoa được cho là có "rác và sạn", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có thông điệp đáng lưu ý: "Điều tôi có thể nói được lúc này và quan trọng nhất đó là chúng ta làm những gì để tăng cường chất lượng của các bộ sách giáo khoa trong thời gian sắp tới".
Tư lệnh ngành giáo dục cũng cho rằng: "Để có được một bộ sách giáo khoa thực sự chất lượng cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về con người biên soạn là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, là việc tổ chức thẩm định, là việc dạy thực nghiệm, là việc lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau".
Vấn đề sách giáo khoa bậc tiểu học và trung học nhiều "rác và sạn" đã được đặt ra ở nghị trường Quốc hội kỳ này qua kỳ khác.
Và chịu đựng những bất cập này, trước hết là người học (học sai, kiến thức sai, tư duy sai sinh ra phương pháp thực hành sai), người dạy (biết sai mà vẫn dạy, tệ hơn là không còn biết phân biệt đúng, sai); rồi đau khổ nhất là những phụ huynh, nếu có chút hiểu biết, họ phải ngậm đắng nuốt cay để con cái mình có thể "nhắm mắt qua sông".
Năm này qua tháng khác, phụ huynh đau xót nhìn con cháu mình và những thế hệ nối tiếp "hưởng thụ" một chương trình học thiếu khoa học và thiếu tính bối cảnh hóa, ở đó đầy rẫy những kiến thức nặng nề, thừa thãi, vô bổ và thiếu chọn lọc.
Nếu xem sách giáo khoa là học liệu với yêu cầu về tính chuẩn mực sư phạm và khoa học, là bộ khung tri thức căn bản mà người học được truyền trao, thì việc dọn "rác và sạn" cần được bộ làm ngay, làm sớm.
Bởi không ít bộ sách giáo khoa hiện đang gặm mòn hứng thú, niềm đam mê hiểu biết và cả sự chính trực của người học, người dạy, làm mất niềm tin xã hội vào những chuẩn mực mà nền giáo dục phải có. Và như thế, gây hại cho sự phát triển của con người, của tương lai đất nước.
T.LONG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận