Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắc đến truyền thống trọng học, hiếu học, truyền thống văn hiến. Theo ông, những giá trị truyền thống này là có thực và rất đáng tự hào, thể hiện ở nhiều yếu tố, như số người đi học, tinh thần học tập, việc tôn sư trọng đạo...
Nhưng một đất nước trọng học và hiếu học cũng cần thể hiện ở những ngôi trường khang trang, đủ những thứ tối thiểu cho thầy cô giáo tác nghiệp và học sinh học hành.
Hiện nay cả nước tỉ lệ kiên cố hóa bình quân đạt 86%, riêng mầm non và tiểu học đạt 83%.
Tỉ lệ này đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn (như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, khu vực Trung Bộ và cả Tây Nam Bộ), tỉ lệ chưa kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học nhiều tỉnh còn tới trên 40% (Đắk Nông, Kon Tum, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu...).
Đáng chú ý là những trường học tạm này lại nhiều nhất ở bậc học mầm non và tiểu học.
"Các em nhỏ tuổi nhất trong lứa tuổi đi học cần được ưu ái chăm lo và cần phải được ngồi học trong những ngôi trường chắc chắn, có tiện nghi tối thiểu. Mục tiêu trường ra trường, lớp ra lớp cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa", Bộ trưởng Sơn nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh trường học là một thiết chế cộng đồng, thuộc cộng đồng, trong cộng đồng. Đảng và Nhà nước ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển giáo dục và đào tạo bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn.
Tháng 8 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó xác định rõ "phấn đấu đến năm 2030 tỉ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%", tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.
Theo bộ trưởng, để thực hiện được mục tiêu lớn này cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận